Kế hoạch 224/KH-UBND nawm 2016 thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Hà Nam ban hành

Số hiệu 224/KH-UBND
Ngày ban hành 01/02/2016
Ngày có hiệu lực 01/02/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Bùi Quang Cẩm
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 224/KH-UBND

Hà Nam, ngày 01 tháng 2 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016- 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em.

2. Các mục tiêu cụ thể:

- Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 4%/tổng số trẻ em.

- 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Trẻ em, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em cho chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ em.

- Đa dạng hóa các loại hình, phương tiện, hình thức truyền thông: trên Đài, Báo, website Hà Nam đặc biệt là hệ thống truyền thanh cấp xã, phường, thị trấn; các chiến dịch truyền thông theo chủ đề; thông qua các hội nghị báo cáo viên; tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng dân cư; tuyên truyền theo chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, pa nô, khẩu hiệu, tờ rơi, sản xuất các tài liệu sản phẩm truyền thông...; phối hợp với Ban Giám hiệu các trường THCS chỉ đạo CLB truyền thông Măng non tổ chức tuyên truyền tại trường học về kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và kỹ năng tự bảo vệ cho bản thân trẻ em;

- Lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn dân cư, nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, gần gũi với cuộc sống, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

2. Củng cố hệ thống tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Duy trì nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban điều hành và tổ công tác liên ngành về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tăng cường hoạt động truyền thông của nhóm trẻ nòng cốt, câu lạc bộ quyền trẻ em; củng cố đội ngũ công chức, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, đặc biệt là cấp xã; xây dựng đề án phát triển đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở đáp ứng với nhu cầu công tác bảo vệ trẻ em.

- Nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chú trọng đội ngũ công chức viên chức trong hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ chăm sóc trẻ em: nâng cao năng lực về quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kiến thức, kỹ năng về truyền thông, tư vấn, quản lý, thu thập thông tin báo cáo về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và kỹ năng cơ bản làm việc với trẻ em...

3. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

- Tiếp tục duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở các xã, phường, cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập trên địa bàn toàn tỉnh; cung cấp và kết nối dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hiệu quả như: đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, tư vấn, tham vấn, trị liệu phục hồi tâm lý, thể chất cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực; trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, các phúc lợi xã hội khác khi có nhu cầu.

- Tổ chức khảo sát, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về hệ thống kết nối, cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các tỉnh có mô hình hoạt động hiệu quả

4. Xây dựng hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình.

- Cập nhật thông tin trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu trẻ em.

- Tổ chức khảo sát đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ trẻ em. Nâng cao hiệu quả hoạt động và điêu hành của Ban điều hành bảo vệ trẻ em các cấp; đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em. Đưa các mục tiêu bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm và hàng năm của địa phương. Duy trì, thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em;

2. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em của chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em;

3. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em;

[...]