Kế hoạch 222/KH-UBND năm 2023 tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn đến năm 2030

Số hiệu 222/KH-UBND
Ngày ban hành 28/12/2023
Ngày có hiệu lực 28/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 222/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 28 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030: Quyết định số 1971/QĐ-BCT ngày 02/8/2023 của Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030; theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 3112/TTr-SCT ngày 18/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 với các nội dung cụ thể như sau:

I. TỔNG QUAN THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG, GIAI ĐOẠN 2019-2022

- Ngành công nghiệp, thương mại có vai trò là động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Ngãi1 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong giai đoạn 2019-2022 tuy gặp nhiều khó khăn như: Đại dịch Covid-19, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, sự xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina... nhưng công nghiệp, thương mại vẫn đạt nhiều thành tựu quan trọng:

+ Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, cả về quy mô và chất lượng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân trên 9%/năm; giá trị tăng thêm (VACN) tăng bình quân (theo giá so sánh 2010) trên 8%/năm; qua đó gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP tỉnh (theo giá hiện hành) từ 32,9% năm 2018 lên 40,8% năm 2022 và là ngành có tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế tỉnh.

+ Cơ cấu ngành công nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, trong 04 phân ngành cấp I, ngành khai khoáng chiếm tỷ trọng thấp áp chót và giảm từ 0,9% năm 2018 xuống còn 0,6% năm 2022, ngành chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, tương ứng tăng từ 94,9% năm 2018 lên 96,8% vào năm 2022. Nội ngành chế biến chế tạo cũng có sự chuyển dịch tốt từ các ngành thâm dụng lao động như: Dệt may, da giày, nông lâm thủy sản... sang các ngành thâm dụng vốn như luyện thép... và các ngành thâm dụng công nghệ như điện tử, công nghệ thông tin. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo luôn là điểm sáng trong phát triển công nghiệp, có tốc độ tăng trưởng khá, bình quân trên 7,9%/năm và ngành công nghiệp này cũng là ngành đóng góp chính vào xuất khẩu của tỉnh tăng nhanh trong giai đoạn 2019-2022. Ngành điện cũng phát triển mạnh, chỉ số sản xuất (IIP) tăng bình quân trên 18%/năm; nguồn và lưới điện cơ bản bảo đảm nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nguồn điện chủ yếu thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo như thủy điện, điện Mặt Trời... góp phần thực hiện tăng trưởng xanh, bền vững; tỷ trọng ngành điện trong cơ cấu nội ngành công nghiệp năm 2022 là 2,01% và giữ vị trí thứ hai, sau ngành chế biến chế tạo.

+ Đa số sản phẩm công nghiệp nền tảng, ý nghĩa chiến lược như: Lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, điện,... ngày càng phát triển lớn mạnh, góp phần đáp ứng nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu sản xuất và an ninh năng lượng quốc gia nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng; trong đó ngành công nghiệp lọc hóa dầu là ngành giữ vai trò đầu tàu trong phát triển công nghiệp của tỉnh, tiếp sau là ngành luyện kim.

+ Thị trường trong tỉnh lành mạnh và phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân trên 6,5%/năm; cơ cấu phân phối hàng hóa có sự chuyển dịch tích cực từ kênh phân phối truyền thống như chợ dân sinh,... sang các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại,... và gắn liền với quá trình đô thị hóa; đặc biệt, những năm gần đây, thương mại điện tử đã được hình thành, bước đầu phát triển trên địa bàn tỉnh.

+ Xuất nhập khẩu phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 2.230 triệu USD, gấp 3,7 lần năm 2018 và đạt tốc độ tăng trưởng trên 39%/năm, đây cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế ở tỉnh. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo và cơ cấu hàng xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch tích cực và gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất; tỷ trọng kim ngạch nhóm hàng có hàm lượng chế biến thấp và nhóm hàng chủ yếu là gia công ngày càng giảm: Năm 2018, tỷ trọng nhóm hàng nông lâm thủy sản là: 38,9%; tỷ trọng nhóm hàng dệt may da giày là 23,9% nhưng đến năm 2022 tương ứng giảm xuống còn: 16,4% và 21,1%. Đồng thời, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng có hàm lượng chế biến sâu, có công nghệ cao ngày càng tăng, năm 2018 chiếm tỷ trọng 37,3% và đến năm 2022 vươn lên chiếm tỷ trọng 62%. Nhập khẩu cũng đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, bình quân 77,8%/năm và hàng hóa nhập chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu; nhập khẩu đã phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất công nghiệp ở tỉnh.

- Tuy nhiên phát triển công nghiệp, thương mại vẫn còn nhiều tồn tại:

+ Tăng trưởng công nghiệp chủ yếu còn theo chiều rộng, chưa dựa vào chiều sâu; tốc độ tăng năng suất lao động còn chậm2; năng lực tự chủ sản xuất chưa cao, các ngành công nghiệp nền tảng như lọc dầu, luyện kim, máy móc thiết bị công nghiệp nặng,... còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào, ngành công nghiệp đóng tàu biển còn gặp nhiều khó khăn; các ngành dệt may, da giày, điện tử phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào, như Trung Quốc; các ngành thủy sản, dăm gỗ, tinh bột mỳ,... tuy có lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ nhưng chủ yếu là chế biến thô và cũng phụ thuộc rất lớn vào một vài thị trường đầu ra như: Trung Quốc, Đài Loan,... nên thường bị ép giá; sản phẩm công nghiệp có công nghệ cao còn rất hạn chế.

+ Các khu, cụm công nghiệp được tổ chức và thu hút đầu tư sản xuất chủ yếu theo hình thức khu, cụm đa ngành nghề, chưa tập trung theo từng ngành, lĩnh vực; và ngành công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển, do vậy chưa phát huy được lợi thế về chuyên môn hóa theo hướng cụm liên kết ngành công nghiệp, mặt khác do sản xuất còn phân tán theo đa ngành nghề nên việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung gặp khó khăn, không đủ lượng nước để vận hành nhất là ở các cụm công nghiệp. Đồng thời, đa số doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh có quy mô nhỏ, năng lực quản lý, trình độ công nghệ sản xuất còn hạn chế.

+ Sản phẩm hàng hóa tiêu dùng của tỉnh khá đồng dạng với các tỉnh/thành khác trong vùng và cả nước, trong đó nhiều sản phẩm lại có khả năng cạnh tranh thấp nên khó mở rộng thị trường kể cả trong tỉnh. Việc tiêu thụ hàng nông sản dưa hấu, cau, ớt,... cũng bị động, còn tình trạng nông sản được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, phải “giải cứu”.

+ Kênh phân phối hàng hóa truyền thống còn chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô lưu thông hàng hóa. Hệ thống hạ tầng chợ nông thôn, miền núi đa số xuống cấp nhưng chậm được cải thiện. Chỉ số thương mại điện tử (EBI) tỉnh Quảng Ngãi còn ở thứ hạng thấp3.

+ Tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng thiếu bền vững. Mức độ đa dạng hóa (mới) các mặt hàng xuất khẩu và thị trường xuất khẩu còn thấp, ít thay đổi. Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và gặp nhiều khó khăn khi thế giới có biến động bất lợi. Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ yếu là gia công, lắp ráp và chế biến thô nên có giá trị kim ngạch thấp. Xuất khẩu nông sản (dưa hấu, cau, ớt,...) chủ yếu còn theo hình thức trao đổi thương mại biên giới (tiểu ngạch); chưa thực sự chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Ở tỉnh, tuy có cảng biển nước sâu nhưng chưa có Trung tâm Logictics, theo đó cũng chưa hỗ trợ tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu.

+ Xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tuy được tăng cường thực hiện, nhưng vẫn chưa tạo được đột phá, chưa tạo được sự gắn kết giữa quá trình sản xuất và phân phối, tiêu dùng.

- Trong giai đoạn đến năm 2030, để công nghiệp và thương mại phát triển mạnh mẽ, chất lượng và bền vững; cần thiết phát huy hơn nữa những ưu điểm mà ngành công nghiệp, thương mại đã đạt được, đồng thời phải khắc phục được những hạn chế đang tồn tại, gắn kết tận dụng tốt các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, kinh doanh và năng suất lao động. Những nội dung về cơ cấu lại, về nhiệm vụ giải pháp thực hiện để thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại được nêu rõ trong Kế hoạch Tái cơ cấu ngành Công Thương.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hoá các nội dung trong Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 (Quyết định phê duyệt số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023); Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 (Quyết định ban hành số 1971/QĐ-BCT ngày 02/8/2023) gắn với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định phê duyệt số 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX; Nghị quyết số 01- NQ/TU ngày 11/5/2021 của Tỉnh ủy về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển công nghiệp, thương mại được cấp thẩm quyền giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ngãi nhanh và bền vững.

2. Các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tái cơ cấu ngành Công Thương. Nâng cao chất lượng và tính chủ động trong tham mưu thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu ngành Công Thương liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên cơ sở phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của vùng, của tỉnh trong chuỗi giá trị, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững.

- Phấn đấu đến năm 2030 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 8,5-9,5%/năm.

- Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 45%.

[...]