Kế hoạch 220/KH-UBND năm 2014 về phát triển thể thao thành tích cao Thủ đô Hà Nội đến năm 2020

Số hiệu 220/KH-UBND
Ngày ban hành 25/12/2014
Ngày có hiệu lực 25/12/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thị Bích Ngọc
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 220/KH-UBND

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020; Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 09/7/2012 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao Thủ đô đến năm 2020; Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 16/1/2014 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phát triển thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2020, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Tập trung phát triển một số môn thể thao thành tích cao tiêu biểu của Hà Nội và cả nước đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tạo động lực cho phát triển thể dục thể thao quần chúng.

- Phấn đấu thể thao thành tích cao Hà Nội giữ vững vị trí đứng đầu cả nước và góp phần để thể thao Việt Nam đứng trong tốp đầu khu vực Đông Nam Á. Xây dựng Hà Nội là trung tâm đào tạo vận động viên và trọng tài cho quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phát triển và đào tạo đội ngũ vận động viên

- Đến năm 2015 số lượng vận động viên năng khiếu, nghiệp dư và bán tập trung đạt trên 3.500 vận động viên, trong đó có 850 vận động viên cấp cao;

- Đến năm 2020 số lượng vận động viên năng khiếu, nghiệp dư và bán tập trung đạt trên khoảng 4.500 vận động viên, trong đó có 1.100 vận động viên cấp cao;

b) Phát triển đội ngũ huấn luyện viên và trọng tài

- Đến năm 2015, số lượng huấn luyện viên các cấp đạt trên 600 người; Số lượng trọng tài các cấp đạt khoảng 850 người

- Đến năm 2020 số lượng huấn luyện viên các cấp đạt trên 850 người; Số lượng trọng tài các cấp đạt khoảng 1000 người

c) Thành tích thi đấu thể thao thành tích cao

- Đến năm 2016, có 10-12 vận động viên tham dự và phấn đấu đạt huy chương tại Thế vận hội thể thao (Olympic) Lần thứ XXXI được tổ chức tại Rio de Janeiro-Brazil, lần thứ XXXII tại Tokyo-Nhật Bản và các Olympic tiếp theo đến năm 2030 có 13-15 Vận động viên tham dự và phấn đấu có trên 2 huy chương, trong đó có huy chương vàng.

- Năm 2019, đóng góp 35-36% Vận động viên cho đoàn Việt Nam và phấn đấu có 2 Huy chương vàng Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) Lần thứ XVIII.

- Đảm bảo lực lượng nòng cốt của đoàn thể thao Việt Nam và đóng góp trên 30% tổng số huy chương vàng để đoàn Việt Nam giữ vững vị trí trong top 3 khu vực Đông Nam Á tại Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games).

- Phấn đấu giữ vị trí thứ nhất toàn đoàn tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc.

II. NỘI DUNG

1. Phát triển các môn thể thao trọng điểm và đội ngũ vận động viên thể thao thành tích cao

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển các môn thể thao trọng điểm của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tập trung ưu tiên phát triển 20 môn là thế mạnh của Hà Nội và Việt Nam, gồm: điền kinh; thể thao dưới nước; cử tạ; taekwondo, vật; bắn súng; karatedo; bóng bàn; thể dục dụng cụ; đấu kiếm; bắn cung; đua thuyền rowing; canoeing & kayak xe đạp; judo; boxing nữ; cầu lông; wushu; cầu mây, bóng đá; các môn thể thao có khả năng đoạt huy chương tại các giải thi đấu quốc tế.

- Đào tạo đội ngũ vận động viên thể thao tài năng, tập trung cho các môn thể thao trọng điểm; Đào tạo và phát triển các lớp vận động viên kế cận, có trình độ chuyên môn và thành tích cao, có phẩm chất đạo đức tốt.

- Đổi mới cơ chế, nội dung tổ chức tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp.

- Kết hợp đào tạo năng khiếu và rà soát lực lượng vận động viên ở các tuyến để kịp thời tuyển chọn, bổ sung cho lực lượng vận động viên đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng.

- Ưu tiên đào tạo đội ngũ vận động viên thể thao tài năng các môn thể thao trọng điểm có tiềm năng với chế độ ưu tiên đặc biệt để hướng đến giành huy chương tại đấu trường ASIAD và Olympic.

2. Tăng cường đầu tư khoa học-công nghệ phục vụ tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao, chữa trị và hồi phục chức năng cho vận động viên

- Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng quy trình khoa học phát hiện năng khiếu, tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao.

[...]