Kế hoạch 2157/KH-UBND năm 2022 về bồi dưỡng cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 263/QĐ-TTg do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 2157/KH-UBND
Ngày ban hành 07/07/2022
Ngày có hiệu lực 07/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2157/KH-UBND

Kon Tum, ngày 07 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 263/QĐ-TTG NGÀY 22 THÁNG 02 NĂM 2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Triển khai Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Công văn số 2580/BNV-ĐT ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn triển khai công tác bồi dưỡng CBCC xã giai đoạn 2021-2025; xét đề nghị của Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức bồi dưỡng cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Trang bị kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn cho cán bộ, công chức xã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

2. Yêu cầu

- Trên cơ sở kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020, rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã và xác định các giải pháp khả thi, phù hợp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

- Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng đảm bảo phù hợp, sát với từng vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý ở cấp xã; gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức xã, phù hợp với quy hoạch cán bộ và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

- Người đứng đầu các địa phương nâng cao trách nhiệm trong đẩy mạnh tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho cán bộ, công chức xã thuộc thẩm quyền quản lý, phối hợp thực hiện đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề ra.

- Cân đối, bố trí đủ kinh phí đảm bảo thực hiện công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã.

II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG

1. Mục tiêu

a. Mục tiêu chung

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn cho cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại địa phương.

b. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2025 có 100% cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực phục vụ công tác tại địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới.

2. Đối tượng

Cán bộ, công chức cấp xã thuộc các xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum (gồm có: 85 xã trên địa bàn tỉnh, trong đó có 35 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu).

III. NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG

1. Chương trình bồi dưỡng

Thực hiện các chương trình, tài liệu bồi dưỡng do Bộ Nội vụ và các bộ chuyên ngành xây dựng, ban hành và chuyển giao; tổ chức cập nhập, bổ sung một số tài liệu bồi dưỡng đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đảm bảo thực hiện tốt việc bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn cho cán bộ, công chức xã.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030, các sở, ngành và đơn vị liên quan phối hợp tham mưu xây dựng, biên soạn một số chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.

2. Thời gian

Thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng tối đa là 01 tuần (theo quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức); trong đó, thời gian đi thực tế, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm tại địa phương tối thiểu 02 ngày.

3. Hình thức: Tập trung hoặc kết hợp 02 hình thức đào tạo tập trung và trực tuyến (online).

4. Số lượng cán bộ, công chức xã tham gia bồi dưỡng

Dự kiến trong giai đoạn 2023-2025 tổ chức 87 lớp bồi dưỡng cho tổng số 4.335 lượt cán bộ, công chức xã (chi tiết tại Phụ lục đính kèm).

[...]