Kế hoạch 214/KH-UBND năm 2023 về phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2024

Số hiệu 214/KH-UBND
Ngày ban hành 06/09/2023
Ngày có hiệu lực 06/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Thành Công
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 214/KH-UBND

Sơn La, ngày 06 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CHUỖI CUNG ỨNG THỰC PHẨM NÔNG SẢN, THỦY SẢN AN TOÀN TỈNH SƠN LA NĂM 2024

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 53/2019/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững;

Căn cứ Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn;

Căn cứ Quyết định số 1384/QĐ-BNN/QLCL ngày 15/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phê duyệt Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030”;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La;

Căn cứ Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc Đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 395/TTr-SNN ngày 10/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2024, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Tiếp tục xây dựng, duy trì và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, nhằm góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh thông qua đổi mới tổ chức sản xuất và phương thức quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo Luật An toàn thực phẩm. Hình thành được thị trường nông sản an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

b) Phấn đấu phát triển nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, chế biến đa dạng sản phẩm, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đồng thời kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất, chế biến tại tỉnh Sơn La.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Năm 2024 toàn tỉnh duy trì và phát triển ổn định các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Phấn đấu phát triển diện tích, sản lượng nông sản, thủy sản thực phẩm an toàn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự tăng thấp nhất là 10% so với năm 2023.

b) Duy trì và phát triển tiêu thụ nông sản tại thành phố Hà Nội và các tỉnh. Phấn đấu 100% nông sản, thủy sản an toàn sản xuất trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ ổn định tại thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Duy trì và phát triển 308 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn

a) Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn hiện có trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan.

b) Lựa chọn, hướng dẫn, hỗ trợ 28 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xây dựng Vùng sản xuất an toàn tập trung áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được Tổ chức chứng nhận thẩm định, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc tiêu chuẩn tương tự; hỗ trợ liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn được cấp Giấy xác nhận sản phẩm chuỗi theo quy định.

- Cơ quan thực hiện: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan; Doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

2. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm

- Nội dung thực hiện: Hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

[...]