Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 21/KH-BGDĐT triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong trường học năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 21/KH-BGDĐT
Ngày ban hành 06/01/2021
Ngày có hiệu lực 06/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Ngô Thị Minh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG TRƯỜNG HỌC NĂM 2021

Thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021; Chương trình phối hợp số 415/CTPH- UBATGTQG-BGDĐT giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc tăng cường công tác giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên (HSSV) giai đoạn 2019-2024; Kế hoạch số 487/KH-UBATGTQG ngày 31/12/2020 của Ủy ban ATGT Quốc gia về năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai công tác giáo dục ATGT trong trường học năm 2021, cụ thể như sau:

I. Mục đích

1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục ATGT trong các cơ sở giáo dục, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp của ngành Giáo dục được giao tại Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ; Kế hoạch số 487/KH- UBATGTQG ngày 31/12/2020 của Ủy ban ATGT Quốc gia về năm ATGT 2021.

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa nhằm nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm, kĩ năng tham gia giao thông an toàn và ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông cho toàn thể cán bộ quản lí, nhà giáo, nhân viên, người lao động và HSSV trong việc tự giác tuân thủ pháp luật về trật tự ATGT. Hạn chế HSSV vi phạm pháp luật về ATGT, góp phần giảm thiểu vi phạm ATGT, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

II. Yêu cầu

1. Bám sát nội dung Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch năm an toàn giao thông 2021 của Ủy ban ATGT Quốc gia, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể về tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATGT cho HSSV với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.

2. Tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ quản lý, nhà giáo và HSSV về Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

3. Kết hợp giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép giáo dục ATGT với các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn của Ngành và các hoạt động của nhà trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội, sử dụng băng đĩa, phim ảnh, các ứng dụng… để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục ATGT trong trường học.

4. Tăng cường phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức trong nhà trường, đặc biệt là các tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT cho HSSV.

III. Nội dung phổ biến, tuyên truyền, giáo dục

1. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Tuyên truyền, giáo dục cho HSSV pháp luật về ATGT, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và các hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, với các nội dung trọng tâm:

a) Các quy định về tín hiệu giao thông đường bộ, biển báo hiệu giao thông đường bộ (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn) về màu sắc, hình dạng…

b) Ngồi trên xe đạp, xe đạp điện, xe gắn máy, xe mô tô, xe ô tô, xe buýt, an toàn và đi bộ an toàn.

c) Hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông.

d) Độ tuổi của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; quy định bắt buộc về đội mũ bảo hiểm; các kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện an toàn; cách phòng tránh tai nạn giao thông.

đ) Quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm.

e) Các kĩ năng bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải, nguy cơ xảy ra tai nạn, nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông.

2. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt

Tuyên truyền, giáo dục HSSV thực hiện nghiêm túc quy định về việc bảo đảm ATGT đường sắt, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

a) Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, tự ý di chuyển hoặc làm sai lệch các công trình, thiết bị báo hiệu, biển báo hiệu cố định trên đường sắt; treo, phơi, đặt vật làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt; không vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng, vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh, để vật chướng ngại, chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

b) Đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe, đầu máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và các vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy; đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt, ném đất, đá hoặc các vật khác lên tàu.

3. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa

a) Tuyên truyền, giáo dục HSSV khi đi đò phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao, dụng cụ cứu sinh; chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn khi sử dụng phương tiện giao thông đường thủy.

b) Chỉ đạo, triển khai việc phòng tránh tai nạn đuối nước trong HSSV; tổ chức huấn luyện kỹ năng phòng tránh đuối nước cho HSSV khi đi tham quan, dã ngoại, hạn chế tổ chức hoạt động tham quan vào mùa mưa lũ, vùng nguy hiểm… để đảm bảo an toàn.

IV. Tổ chức thực hiện

[...]