Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 209/KH-BGDĐT năm 2021 thực hiện chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong ngành giáo dục giai đoạn 2021-2030 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 209/KH-BGDĐT
Ngày ban hành 09/03/2021
Ngày có hiệu lực 09/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Ngô Thị Minh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 209/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRONG NGÀNH GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2021-2030

Thực hiện Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), căn cứ nhiệm vụ được giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2030, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông và thái độ ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, kĩ năng trong đội ngũ cán bộ quản lí, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên; khắc phục vi phạm an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và góp phần hàng năm giảm 5-10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường.

2. Yêu cầu

- 100% các cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các kĩ năng tham gia giao thông an toàn cho cán bộ quản lí, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên .

- 100% khu vực cổng trường học nằm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các đường trục chính đô thị được tổ chức giao thông bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông.

- Ngành giáo dục các địa phương, các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với Ban An toàn giao thông, các cơ quan đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho cán bộ quản lí, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên; tổ chức giao thông bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông khu vực cổng trường học.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Năm 2021, thực hiện nội dung trong Kế hoạch số 21/KH-BGDĐT ngày 6/01/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai công tác giáo dục tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong trường học năm 2021 và các nội dung trong (Phụ lục đính kèm); thực hiện các nhiệm vụ được giao của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

2. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện “Tháng cao điểm an toàn giao thông” và tuyên truyền vào dịp Tết, lễ, hội theo chuyên đề cụ thể hằng năm.

3. Hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kĩ năng tham gia giao thông an toàn vào trong chương trình chính khóa, trong các hoạt động trải nghiệm cho học sinh phổ thông; tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.

4. Đưa giáo dục an toàn giao thông vào chương trình chính khóa cho học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên học chuyên ngành liên quan đến giảng dạy về an toàn giao thông sau khi tốt nghiệp.

5. Tăng cường quản lí hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô; ban hành quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô đảm bảo an toàn khi sử dụng dịch vụ.

6. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông qua các nền tảng công nghệ thông tin như: Internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh, đặc biệt bằng các công cụ hình ảnh trực quan, các ứng dụng trò chơi...

7. Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào sinh hoạt thường xuyên của các đoàn thể. Tiếp tục đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng của các nhà trường và là một tiêu chuẩn đánh giá xếp loại cuối năm của học sinh, sinh viên.

8. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ quản lí, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

9. Phối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan triển khai cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông xung quanh khu vực trường học, trên các tuyến đường từ nhà đến trường và từ trường về nhà cho học sinh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Giao Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.

- Căn cứ các hoạt động được giao tại phụ lục, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

2. Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo; các Đại học, Học viện; các Trường Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm

- Xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2021-2030 tại đơn vị.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, từng bước đưa các nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn vào chương trình và kế hoạch giáo dục.

[...]