Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 208/KH-UBND năm 2016 thực hiện Đề án “Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động trong doanh nghiệp đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu 208/KH-UBND
Ngày ban hành 08/07/2016
Ngày có hiệu lực 08/07/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Phạm Duy Hưng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 08 tháng 7 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Thực hiện Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”, UBND tỉnh Bắc Kạn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp” cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

Nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”; tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp; xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh theo tinh thần Kết luận số 79/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

2. Yêu cầu:

Việc tổ chức các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động phải phù hợp với tính chất, đặc điểm của các loại hình doanh nghiệp, điều kiện sống và làm việc của công nhân lao động ở từng nơi; gắn tổ chức các hoạt động học tập suốt đời với giải quyết những nhu cầu chính đáng của công nhân lao động. Qua đó giúp công nhân lao động nhận thức rõ hơn việc học tập vừa là quyền lợi vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập và là trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu tổng quát:

Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân lao động tại các doanh nghiệp, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp tỉnh, tích cực học tập suốt đời để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, góp phần xây dựng xã hội học tập.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

a) Về trình độ học vấn:

Vận động, tạo điều kiện để 70% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập, để đạt trình độ trung học phổ thông.

b) Về kỹ năng nghề nghiệp:

Vận động, tạo điều kiện để 90% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (đào tạo qua trường, lớp hoặc doanh nghiệp tự đào tạo); 50% trở lên công nhân lao động được đào tạo lại, 40% trở lên công nhân lao động có tay nghề cao.

Vận động, tạo điều kiện để 50% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được học tập, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học.

c) Về kiến thức chính trị, pháp luật:

Phấn đấu 90% công nhân lao động được nghiên cứu, học tập, tìm hiểu những kiến thức chính trị cơ bản; được tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công nhân lao động.

d) Về kỹ năng sống:

Phấn đấu 70% công nhân lao động được học tập, tìm hiểu những kiến thức cơ bản về nắm bắt thông tin, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bản thân, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình; phòng, chống tội phạm, ma túy và các tệ nạn xã hội.

Phấn đấu 70% nữ công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được học tập, tìm hiểu kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền

- Hàng năm, tổ chức nghiên cứu thực tế, rà soát, tổng hợp đánh giá thực trạng nhận thức của công nhân lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chính trị, pháp luật, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để có hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả.

- Tổ chức nghiên cứu, biên soạn và in ấn, phát hành tài liệu hướng dẫn tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền nhất là cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cán bộ công đoàn cơ sở về kỹ năng tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động, công nhân lao động tham gia các hoạt động học tập suốt đời.

- Tổ chức các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, vận động công nhân lao động học tập, nâng cao trình độ chính trị, học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn; phát triển phong trào học bổ túc văn hóa và phong trào “Ôn thi lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” hàng năm cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp.

- Xây dựng “Tủ sách học tập” tại các doanh nghiệp để phục vụ công nhân lao động gắn với các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa công nhân.

[...]