Kế hoạch 207/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu bò trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2030

Số hiệu 207/KH-UBND
Ngày ban hành 19/11/2021
Ngày có hiệu lực 19/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Dương Văn Lượng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 207/KH-UBND

Thái Nguyên, ngày 19 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÂU, BÒ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2022-2030

Thực hiện Quyết định số 1814/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022-2030”; theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 3616/TTr-SNN ngày 12/11/2021, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi do dịch bệnh gây ra, UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu bò trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2030”, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò; bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và các hoạt động kinh doanh, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tổ chức tiêm phòng vắc xin VDNC cho trên 80% tổng đàn trâu, bò, bê, nghé (gọi chung là trâu, bò) tại thời điểm tiêm phòng.

- Chủ động giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh VDNC lây lan ra diện rộng nhằm giảm số ổ dịch VDNC trong các năm, cụ thể: Trên 85% số xã, phường, thị trấn không có bệnh VDNC trong 03 năm đầu thực hiện Kế hoạch; trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh VDNC trong 03 năm tiếp theo và trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh VDNC trong 02 năm cuối thực hiện Kế hoạch.

- Phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh. Đặc biệt không để bệnh VDNC lây lan theo con đường vận chuyển buôn bán từ các tỉnh thành khác vào địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

- Phối hợp hiệu quả với các cơ quan của Trung ương và Tổ chức Quốc tế trong chẩn đoán, xét nghiệm, nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ và đặc điểm vi rút gây bệnh VDNC để lựa chọn vắc xin triển khai tiêm phòng, đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp và hiệu quả đối với tỉnh Thái Nguyên.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Phòng bệnh cho trâu, bò bằng vắc xin VDNC

- Nguyên tắc chung: Sử dụng vắc xin VDNC để tiêm phòng cho đàn trâu, bò là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất và chi phí thấp nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Đối tượng tiêm vắc xin: Trâu, bò chưa được tiêm vắc xin hoặc đã tiêm vắc xin VDNC nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ (theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin); không có biểu hiện triệu chứng điển hình của bệnh VDNC và các bệnh truyền nhiễm khác.

- Phạm vi tiêm vắc xin: Tổ chức tiêm vắc xin VDNC đồng loạt cho trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng. Khi có dịch bệnh xảy ra, tổ chức rà soát và tiêm phòng bổ sung vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò (chưa được tiêm vắc xin hoặc đã được tiêm vắc xin VDNC nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ) trong phạm vi bán kính tối thiểu 100 km tính từ 0 dịch VDNC hoặc theo địa giới hành chính cấp huyện của địa phương có dịch bệnh VDNC và huyện liền kề xung quanh địa phương có dịch bệnh VDNC.

- Thời điểm tiêm vắc xin VDNC: Hằng năm, tổ chức 01 đợt tiêm phòng chính trước thời điểm dịch bệnh VDNC thường xảy ra tại địa phương, trước mùa phát triển của các véc tơ truyền bệnh VDNC (như ruồi, muỗi, ve, mòng,...) và vào thời điểm 1 - 2 tháng trước khi hết thời gian miễn dịch bảo hộ đối với trâu, bò đã được tiêm vắc xin VDNC. Tổ chức tiêm phòng theo hình thức cuốn chiếu, tập trung, dứt điểm từng xã, phường, thị trấn, tránh tiêm phòng dàn trải và kéo dài. Ngoài đợt tiêm chính, các địa phương cần thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm vắc xin VDNC bổ sung cho đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng, phát sinh, nhập đàn trước và sau đợt tiêm chính.

- Sử dụng và bảo quản vắc xin VDNC được phép lưu hành tại Việt Nam theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn vị cung ứng vắc xin, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

2. Chủ động phòng bệnh có hiệu quả bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu diệt véc tơ truyền bệnh

- Chủ cơ sở chăn nuôi trâu, bò áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc bảo đảm không để gia súc mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y.

- Chính quyền cơ sở, các cơ quan chuyên môn thú y địa phương tổ chức vệ sinh, tiêu độc định kỳ tại khu vực chợ, điểm buôn bán, giết mổ trâu, bò và các sản phẩm của trâu, bò; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

- Sử dụng các loại hóa chất được phép lưu hành tại Việt Nam và theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y và hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn vị cung ứng hóa chất tiêu độc khử trùng và tiêu diệt véc tơ truyền bệnh.

3. Giám sát dịch bệnh

a) Giám sát chủ động

- Chủ vật nuôi, cán bộ thú y cơ sở chủ động theo dõi, giám sát đàn trâu, bò. Trường hợp phát hiện trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC, chết không rõ nguyên nhân hoặc trâu, bò, sản phẩm của trâu, bò nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, báo cáo cơ quan thú y cấp huyện, chính quyền cơ sở để xử lý theo quy định; Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm bệnh VDNC trước khi xử lý gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo quy định.

- Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng, hằng năm xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút VDNC tại địa phương có nguy cơ cao, địa phương đã từng có dịch bệnh VDNC.

b) Giám sát bị động, điều tra ổ dịch

[...]