Kế hoạch 205/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 205/KH-UBND
Ngày ban hành 11/09/2018
Ngày có hiệu lực 11/09/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Văn Dương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 205/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TW NGÀY 16/01/2017 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và Quyết định số 4215/QĐ-BVHTTDL ngày 09/11/2017 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP và Nghị quyết số 08-NQ/TW, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên - nhân văn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh trong phát triển du lịch gắn với xây dựng hình ảnh địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy mạnh xã hội hóa và huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch; tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh du lịch Đồng Tháp nói riêng và địa phương nói chung, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

- Tăng cường đầu tư phát triển du lịch ở các địa phương có tài nguyên hấp dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, khu điểm du lịch và thái độ ứng xử văn minh để thu hút khách du lịch và xây dựng hình ảnh địa phương.

- Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Đến năm 2020: Định hình mô hình phát triển của Du lịch Đồng Tháp với các nét văn hóa, lợi thế đặc trưng tại các tuyến, điểm du lịch trọng điểm với từng định vị rõ ràng. Qua đó, tạo nên một bức tranh du lịch Đồng Tháp hoàn thiện và khác biệt, không trùng lặp với các địa phương khác. Vươn lên tốp đầu khu vực ĐBSCL về lượt khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng và tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch. Phát triển du lịch Đồng Tháp trở thành 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.

- Đến năm 2030: phấn đấu đưa Du lịch Đồng Tháp phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh, khẳng định được thương hiệu du lịch, hình ảnh địa phương, đóng góp quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực dịch vụ và tăng trưởng của Tỉnh; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.

2. Mục tiêu cụ thể

* Đến năm 2020: (thực hiện theo Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020)

- Thu hút 3,5 triệu lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2014.

- Doanh thu đạt 900 - 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2014

- Nâng thời gian lưu trú bình quân từ 1,1 ngày (năm 2014) lên 1,5 ngày vào năm 2020.

* Đến năm 2030, du lịch Đồng Tháp phấn đấu:

- Thu hút 5,650 triệu lượt khách tham quan, du lịch; trong đó 160.000 khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 4,5%/năm/tổng lượt khách.

- Tổng thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020, tăng trưởng bình quân 7%/năm.

- Số ngày lưu trú bình quân: phấn đấu đạt 2 ngày

- Tạo việc làm cho người dân địa phương từ 10.000 – 12.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp 2.000 người, lao động gián tiếp là 8.000 – 10.000 người. Số lượng lao động qua đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch đạt 80%/lao động trực tiếp.

- Số lượng doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn:

+ Cơ sở lưu trú du lịch: Có từ 4 - 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao – 5 sao, 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao, 100 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng từ 1 sao – 2 sao, 50 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Tổng số phòng lưu trú: 3.000 - 3.500 phòng.

+ Doanh nghiệp du lịch, lữ hành: Có từ 40 – 50 doanh nghiệp.

+ Hướng dẫn viên tại điểm, hướng dẫn viên du lịch nội địa, hướng dẫn viên du lịch quốc tế: 250 – 300 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch.

2. Cơ cấu lại hoạt động du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

[...]