Kế hoạch 20/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 31-CT/TU về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên tỉnh Hưng Yên

Số hiệu 20/KH-UBND
Ngày ban hành 13/02/2023
Ngày có hiệu lực 13/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Lê Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 13 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 31-CT/TU NGÀY 17/11/2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH; CHẤN CHỈNH LỀ LỐI, TÁC PHONG LÀM VIỆC; NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM TRONG THỰC THI NHIỆM VỤ VÀ ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỈNH HƯNG YÊN

Thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 17/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên tỉnh Hưng Yên, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

b) Chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

c) Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

d) Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của các ngành, các địa phương.

b) Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiên quyết đấu tranh phòng, chống các hành vi tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ và đạo đức, lối sống.

c) Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân, gia đình thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy ước, hương ước của địa phương nơi cư trú.

d) Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực thi công vụ, thực hiện nhiệm vụ được giao.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kỷ luật, kỷ cương hành chính; trong đó tập trung vào các nội dung sau: Quy định số 1506-QĐ/TU ngày 18/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 14/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong tình hình mới; Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 17/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Triển khai thực hiện nghiêm Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 của UBND tỉnh ban hành Quy định về văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Hưng Yên; Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 29/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ.

2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm được giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể, kết quả sản phẩm đầu ra, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ, thực hiện nhiệm vụ; làm căn cứ đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng, hằng năm theo quy định. Đồng thời, tăng cường làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc phối hợp xử lý, giải quyết các nội dung, các công việc có liên quan, các nội dung có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời.

3. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó phải đưa nội dung thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc, văn hóa công sở, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao tinh thần, thái độ làm việc, hiệu quả, chất lượng công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức vào nội quy, quy chế làm việc. Tăng cường quản lý, sử dụng và bảo vệ tài chính, tài sản công theo đúng quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuân thủ, chấp hành nghiêm tính thứ bậc, kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện nghiêm Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 của UBND tỉnh ban hành Quy định về văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Hưng Yên.

4. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ; xây dựng quy trình nội bộ; công khai thủ tục hành chính theo quy định. Nghiêm cấm việc cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân tự đề ra các thủ tục hành chính ngoài bộ thủ tục đã được pháp luật quy định. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc hành chính tại nhà riêng hoặc ngoài trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị. Không gây phiền hà, sách nhiễu, cửa quyền, hách dịch khi giải quyết công việc đối với doanh nghiệp và người dân. Trong thực hiện công vụ, thực hiện nhiệm vụ, công tác được giao, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm hướng dẫn, công khai quy trình thực hiện đã được cấp có thẩm quyền ban hành; khi tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu doanh nghiệp, người dân chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ tối đa một lần; trường hợp công việc kéo dài quá thời gian quy định phải thông báo trả lời, nêu rõ lý do chính đáng. Đối với lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như: thuế, đất đai, đầu tư, kinh doanh, xây dựng, quản lý thị trường... phải không ngừng cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, đồng thời bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức tốt để hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.

5. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống các biểu hiện, hành vi tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ và đạo đức, lối sống, nhất là một số hành vi tiêu cực sau:

a) Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, cửa quyền hách dịch, sách nhiễu, mất dân chủ, dân chủ hình thức, không tôn trọng ý kiến của tập thể, cá nhân; không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức vụ, chức danh, việc làm, vị trí công tác.

b) “Tư duy nhiệm kỳ”, cơ hội, vụ lợi, lạm quyền, lộng quyền; lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân; chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể; chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng, của nhân dân và của đất nước; cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi.

c) Chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái với chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc có nhiều sơ hở, để bị lợi dụng gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân; “lợi ích nhóm”, “cục bộ địa phương” trong xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật.

d) Thiếu trách nhiệm, buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực; không báo cáo, phản ánh, không xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp quản lý.

đ) Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý dự án đầu tư, xây dựng; đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản, thiết bị; quản lý tài sản công, nhà, đất, tài nguyên, khoáng sản... Không thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ trái quy định.

e) Tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định có lợi riêng cho bản thân, gia đình hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.

[...]