Kế hoạch 416/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác trong thực thi công vụ do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 416/KH-UBND
Ngày ban hành 18/01/2023
Ngày có hiệu lực 18/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Trí Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 416/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 18 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 30-CT/TU NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH UỶ VỀ TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TRONG THỰC THI CÔNG VỤ

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 17/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác trong thực thi công vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Cụ thể hóa việc tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị số 30- CT/TU ngày 17/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác trong thực thi công vụ (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 30).

b) Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền và cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phát triển, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và của Nhà nước.

c) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, có phong cách ứng xử văn minh, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tuân thủ các quy định trong hoạt động công vụ nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.

2. Yêu cầu

a) Các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố quát triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30; xây dựng chương trình, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đối với các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Thường xuyên phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó, chú trọng đến các yêu cầu, nội dung, giải pháp về công tác cán bộ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng Đảng.

b) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.

c) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa các quy chế, quy định, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; xác định rõ chức trách, nhiệm vụ được giao trong tập thể lãnh đạo và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; đảm bảo không chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không trái với quy định của cấp trên và phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Quán triệt và lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo cấp dưới phục tùng nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Thực hiện tốt Quy định số 455-QĐ/TU ngày 22/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh.

d) Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.

đ) Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm tối đa tầng nấc trung gian, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Nghiêm túc thực hiện chủ trương: “4 tăng, 2 giảm, 2 không”, gồm: Tăng tính công khai minh bạch; tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường phương thức giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng; tăng sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; không gây phiền hà, sách nhiễu; không trễ hẹn.

e) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương; về văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, hiệu quả công tác thấp; cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và công khai danh tính cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trên cổng thông tin điện tử; dân chủ, khách quan, tránh tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc; tạo động lực, môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức phát huy năng lực, sở trường, thi đua thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thực hiện nghiêm Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2111/QĐ-UBND ngày 11/8/2022 của UBND tỉnh.

g) Phát động phong trào thi đua về nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, địa phương; đưa kết quả thực hiện Chỉ thị số 30 thành một trong những tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

h) Phối hợp và tạo điều kiện để các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng tham gia phát hiện và góp ý, phê phán trước công luận đối với những hành vi vi phạm, gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính; đồng thời, cổ vũ, động viên kịp thời những điển hình tốt về tinh thần và thái độ phục vụ trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động

a) Trong thực thi nhiệm vụ công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền.

b) Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ.

c) Tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, hiệu quả trong thực thi công vụ. Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 3510/QĐ-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh. Thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế dân chủ ở cơ sở, nội quy, quy chế làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương; không sa vào các tệ nạn xã hội dưới mọi hình thức; nghiêm cấm uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. Không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.

d) Nghiêm cấm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

đ) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

[...]