Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 199/KH-UBND năm 2020 triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 199/KH-UBND
Ngày ban hành 20/12/2020
Ngày có hiệu lực 20/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 199/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM GIẾT NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Công văn số 1676/TTg-NC ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân trong việc chấp hành pháp luật, giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột phát sinh trong cuộc sống, sinh hoạt, quan hệ gia đình, cộng đồng dân cư, nhằm hạn chế mọi nguyên nhân, điều kiện phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật.

- Triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp công tác trong phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý tội phạm giết người; làm rõ nguyên nhân, đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập và những điều kiện làm nảy sinh tội phạm, từng bước kiềm chế, làm giảm loại tội phạm này, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho Nhân dân.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể trong việc thực hiện, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương; gắn công tác thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người với các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng; trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo, triển khai và kết quả phòng, chống tội phạm đối với địa bàn, lĩnh vực được giao quản lý, chỉ đạo.

II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Công tác chỉ đạo, triển khai

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; thực hiện có hiệu quả các Đề án được giao trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030, lồng ghép các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người với nội dung, nhiệm vụ của Đề án đang triển khai thực hiện; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường an toàn, ổn định để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, gắn với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm. Nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, giải quyết kịp thời, triệt để khiếu nại, tố cáo không để phức tạp kéo dài phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

- Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, tập trung giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ người dân. Tổ chức lồng ghép các hoạt động văn hóa với xây dựng nông thôn mới, các hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, trường học và khu dân cư nhằm hạn chế và từng bước loại bỏ nguyên nhân, điều kiện của tội phạm giết người.

- Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phát hiện, chỉ đạo giải quyết mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

2. Công tác phòng ngừa

- Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng, khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh loại tội phạm này; thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội liên quan đến phòng, chống tội phạm như: Giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi…

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; hướng dẫn cách thức xử lý trong các tình huống bạo lực, tiềm ẩn bạo lực góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cho người dân.

- Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn dân cư, nhất là người có tiền án, tiền sự, người nghiện ma túy; chú trọng công tác lập hồ sơ đưa người vào Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng, đưa đi cai nghiện bắt buộc nhằm làm trong sạch địa bàn, hạn chế tội phạm, vi phạm pháp luật từ địa bàn cơ sở; làm tốt công tác quản lý, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Phối hợp đưa người mắc bệnh tâm thần, loạn thần vào các cơ sở điều trị, quản lý chặt chẽ người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

3. Công tác điều tra, truy tố, xét xử

- Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tập trung lực lượng điều tra, khám phá nhanh các vụ án giết người xảy ra nhằm ổn định tình hình, không để gây hoang mang dư luận, bất an trong Nhân dân. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

- Tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự đảm bảo không để oan sai, bỏ lọt tội phạm. Quan tâm lựa chọn một số vụ án điểm để đưa ra xét xử công khai, lưu động phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe, cảnh báo tội phạm và giáo dục phòng ngừa chung.

4. Tăng cường nguồn lực phòng, chống tội phạm

- Cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm; nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ; đề xuất nâng cấp, trang bị các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại cho các lực lượng để phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.

- Huy động các nguồn lực xã hội và ngân sách của địa phương để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tội phạm giết người.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Công an tỉnh

[...]