Kế hoạch 198/KH-UBND năm 2023 về diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

Số hiệu 198/KH-UBND
Ngày ban hành 15/11/2023
Ngày có hiệu lực 15/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 198/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 15 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

DIỆT CHUỘT BẢO VỆ SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG XUÂN 2023-2024

Thực hiện Chỉ thị số 9864/CT-BNN-BVTV ngày 19/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4811/TTr-SNNPTNT ngày 17/11/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024, cụ thể như sau:

I. Tính cấp thiết của việc xây dựng kế hoạch

Chuột là loài gặm nhấm không chỉ phá hại trên nhiêu loài cây trồng ngoài đồng ruộng, sản phẩm cây trồng bảo quản sau thu hoạch trong nhà, trong kho, mà còn là nguồn lây bệnh rất nguy hiểm cho người và động vật. Ngoài ra, chuột còn phá hoại nhiều công trình có giá trị như đê điều, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, tài liệu, cả các đồ dùng thông thường hàng ngày... Thiệt hại do chúng gây ra là rất lớn đối với con người.

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh tình hình chuột gây hại có chiều hướng ngày càng tăng, phá hại trên tất cả các loại cây trồng như: lúa, ngô, lạc... Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích chuột gây hại chỉ tính riêng trên cây lúa gieo sạ ngoài đồng, từ năm 2019 - 2023 dao động từ 2.715,5 - 4.625 ha/năm. Trong đó, diện tích hại lớn (thiệt hại > 20%) từ 160,5 - 632 ha (Riêng năm 2023 diện tích lúa bị chuột gây hại trên địa bàn tỉnh gia tăng đột biến với tổng diện tích 4.625 ha). Do đó, dự báo chuột sẽ có điều kiện tích lũy nguồn gây hại trong vụ Đông Xuân 2023-2024 và cả năm 2024, nếu không chủ động xây dựng kế hoạch diệt chuột ngay từ đầu vụ, nguy cơ chuột sẽ gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất trồng trọt.

Bảng 1: Diện tích chuột gây hại trên cây lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2019-2023

TT

Năm

Diện tích chuột hại (ha)

Trong đó (ha)

Nhẹ (5-10%)

TB (11-20%)

Lớn (>20%)

1

2019

2.715,5

1.919,5

619,0

177,0

2

2020

3.895,0

2.435,0

1.089,0

371,0

3

2021

2.838,0

2.011,0

666,5

160,5

4

2022

3.108,2

2.174,5

736,7

197,0

5

2023

4.625,0

2.809,5

1.183,5

632,0

Tổng cộng

17.181,7

11.349,5

4.294,7

1.537,5

Mặc dù trong thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm phát động phong trào diệt chuột bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, công tác tổ chức chưa đồng bộ, số đợt ra quân còn ít, thiếu sự đầu tư về kinh phí nên công tác phòng trừ chưa triệt để; người nông dân chưa nắm bắt được đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại, thời điểm diệt chuột mang lại hiệu quả cao. Do vậy, nông dân chỉ thường sử dụng bả diệt chuột khi cây trồng vào giai đoạn xung yếu, chuột đã gây hại nhiều trên đồng ruộng hoặc dùng các biện pháp dân gian xua đuổi, thậm chí dùng bẫy điện gây mất an toàn... dẫn tới tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả phòng trừ chưa cao, chuột có điều kiện phát sinh gây hại rất lớn cho cây trồng.

Do đó, để chủ động trong công tác phòng chống tác hại do chuột gây ra, việc xây dựng Kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất trên địa bàn tỉnh vụ Đông Xuân 2023 - 2024 là hết sức cần thiết.

II. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho các lãnh đạo UBND, Hội, Đoàn thể cấp xã, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và người nông dân hiểu rõ đặc tính sinh học, mức độ gây hại của chuột và các biện pháp diệt chuột mang lại hiệu quả cao để áp dụng vào điều kiện thực tế tại địa phương.

- Phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng của người nông dân trong việc tổ chức phòng chống chuột nhằm bảo vệ được sản xuất trồng trọt, ổn định thu nhập cho người dân.

- Hỗ trợ thuốc diệt chuột để các địa phương tổ chức diệt chuột đồng loạt tập trung vào thời điểm thích hợp để mang lại hiệu quả cao và bảo vệ được năng suất, chất lượng cây trồng.

2. Yêu cầu

- Huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn dân tham gia diệt chuột. Diệt chuột thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, chú trọng tổ chức các đợt ra quân diệt chuột sớm trước khi gieo sạ và ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất, diệt chuột đồng loạt mang tính cộng đồng.

- Tổ chức diệt chuột đúng kỹ thuật, đúng lúc, an toàn cho người và vật nuôi.

- Thực hiện tổng hợp các biện pháp diệt chuột như đào, bắt, sử dụng các loại bẫy, bã diệt chuột...

- Hướng dẫn cho lãnh đạo UBND, Hội, Đoàn thể cấp xã, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và người nông dân hiểu rõ đặc tính sinh học, mức độ gây hại của chuột, các biện pháp diệt chuột mang lại hiệu quả cao và biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả.

III. Nội dung, quy mô, địa điểm và thời gian thực hiện

1. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức cấp xã, hợp tác xã và nông dân chủ chốt:

a) Đối tượng: Lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn, cán bộ Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân xã, phường, thị trấn, thành viên Ban quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và nông dân chủ chốt.

b) Quy mô: 12 lớp, mỗi huyện 01 lớp, 01 ngày/lớp, số người tham dự: 35 người/lớp.

c) Thời gian: Triển khai hoàn thành trước ngày 15/12/2023.

d) Địa điểm: Tổ chức tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Lý Sơn).

e) Nội dung tập huấn:

[...]