ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 197/KH-UBND
|
Hưng Yên, ngày 28
tháng 12 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 240-KH/TU NGÀY
24/11/2023 CỦA TỈNH ỦY VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW NGÀY 10/10/2023 CỦA BỘ CHÍNH
TRỊ VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN VIỆT NAM TRONG THỜI
KỲ MỚI
Thực hiện Kế hoạch số 240-KH/TU ngày 24/11/2023 của
Tỉnh ủy Hưng Yên về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ
Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong
thời kỳ mới (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 41-NQ/TW), Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 240-KH/TU ngày 24/11/2023 của
Tỉnh ủy trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm
túc, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị
quyết số 41-NQ/TW, nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận
Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp
nhân dân về vai trò, vị trí tâm quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân đối với
sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.
2. Cụ thể hóa các quan điểm, định hướng phát
triển, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết số 41-NQ/TW đảm bảo phù
hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và từng địa phương, đơn vị; phân công
trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ
đạo, thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số
41-NQ/TW. Việc tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh đảm bảo mỗi nhiệm vụ đều được
phân công cho một cơ quan, đơn vị cụ thể để các sở, ban, ngành, UBND các huyện,
thị xã, thành phố chủ động phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
3. Yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức triển
khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, đồng bộ;
sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động cộng đồng doanh nghiệp, doanh
nhân và các tầng lớp nhân dân tham gia; thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ
sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
- Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng,
là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh
tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác
trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức
cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
- Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn
mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng
tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức
mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi,
an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng,
Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng,
chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh,
làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ
pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm
xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển
đất nước.
2.2. Mục tiêu đến năm 2030
Phát triển đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh có
quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh
nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các
ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng
trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công
nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp
nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
2.3. Tầm nhìn đến năm 2045
Phát triển đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh có
quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập
cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương
hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Nâng cao nhận thức về vị
trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước
- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thực,
trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán
bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân,
trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước và tỉnh Hưng Yên.
- Tập trung tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh
nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, kế thừa và phát huy truyền
thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt đường lối, chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển nền
kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc
phòng, an ninh.
- Khuyến khích đội ngũ doanh nhân phấn đấu, xây dựng
đạo đức, văn hóa kinh doanh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh; nêu cao trách nhiệm xã hội, tham gia các cuộc vận động, các phong
trào thi đua yêu nước. Chú trọng tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân,
doanh nghiệp tiêu biểu. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc
thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân.
- Các sở, ngành liên quan phối hợp với Ban Tuyên
giáo Tỉnh ủy và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt
Nghị quyết số 41- NQ/TW trong quý I năm 2024.
2. Hoàn thiện chính sách, pháp
luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh
nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến
- Tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản pháp luật,
cơ chế, chính sách của Trung ương, xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, chính sách
của tỉnh về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân; phối hợp với các bộ, ngành
Trung ương trong việc hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ
quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý
vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế... bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định,
đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về
đất đai, tài chính, công nghệ.
- Cải thiện liên tục, vững chắc môi trường kinh
doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới
tác phong, lề lối công tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh
nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ. Tăng cường tham vấn, đối thoại, lấy ý
kiến tham gia của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, hoạt
động và thực hiện các chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương.
- Thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phát
triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ,
các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển
cho doanh nhân, doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là
thị trường vốn, lao động, quyền sử dụng đất, khoa học và công nghệ; khuyến
khích xã hội hóa và đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng kinh tế -
xã hội theo hình thức đối tác công - tư (PPP); tạo điều kiện cho các tổ chức đại
diện doanh nhân tham gia cung cấp một số dịch vụ công phù hợp, xóa bỏ đặc quyền,
độc quyền trong sản xuất kinh doanh.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra,
thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ
quan nhà nước, công chức, viên chức với doanh nhân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm
cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với
doanh nhân, doanh nghiệp. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc tổ chức
thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp.
3. Phát triển đội ngũ doanh
nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới
- Ban hành kế hoạch phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh
Hưng Yên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 gắn với xây dựng và phát huy vai
trò đội ngũ doanh nhân. Tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả các chương
trình, kế hoạch, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Có chính
sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn
dắt một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và thương mại, dịch vụ tham
gia ngày càng sâu trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Có chính sách tạo
điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh,
năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền lảng đổi mới sáng
tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần
hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến
khích hộ kinh doanh cá thế đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp.
- Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội,
nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ
phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh
nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Quan tâm
phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã.
- Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ doanh nhân có
đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và
các tổ chức họp pháp khác có liên quan. Nghiên cứu, ban hành chính sách động
viên, tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam, nhất là doanh nhân Hưng Yên ở nước
ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.
- Xây dựng Chương trình về đào tạo, bồi dưỡng doanh
nhân, khuyến khích doanh nhân ở tất cả các thành phần kinh tế tham gia, chú trọng
đào tạo, bồi dưỡng các vấn đề mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp,
quản trị kinh doanh hiện đại, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng
kinh doanh mới; khuyến khích doanh nhân thành đạt tham gia hoạt động đào tạo, bồi
dưỡng, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm; đa dạng hoá các hoạt động hợp tác,
liên kết đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Xây dựng và triển khai các
chương trình hỗ trợ pháp lý, nâng cao năng lực cho doanh nhân, doanh nghiệp
tham gia có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế của Việt
Nam.
4. Xây dựng đạo đức, văn hóa
kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
phồn vinh, hạnh phúc
- Vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện
chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được
tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng
đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm
cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân
đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước,
con người, văn hóa Việt Nam nói chung và của tỉnh Hưng Yên nói riêng.
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân,
doanh nghiệp đối với xã hội, nhất là trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm
chất lượng; giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường;
lên án, ngăn chặn, kiên quyết xử lý doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức,
văn hóa kinh doanh, vi phạm pháp luật. Khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực
hiện trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động giúp đỡ cho người có
hoàn cảnh khó khăn.
5. Tăng cường đoàn kết, hợp
tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo
của Đảng
- Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt động
trong đội ngũ doanh nhân; giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức
thông qua các hình thức đa dạng, phù hợp, gắn với hoạt động sản xuất, kinh
doanh, trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết
toàn dân tộc.
- Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến
bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động, đẩy mạnh ký kết thoả ước lao
động tập thể, giải quyết hài hoà lợi ích doanh nghiệp và người lao động; định kỳ
tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động trong doanh nghiệp.
- Quan tâm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người
lao động, nhất là về tiêu chuẩn, an toàn lao động, an sinh, phúc lợi xã hội,
dân chủ ở cơ sở, hạn chế tối đa tranh chấp lao động. Tạo điều kiện cho tổ chức
công đoàn được thành lập và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò cầu
nối giữa người lao động với doanh nhân, doanh nghiệp; phối hợp phát triển doanh
nghiệp, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội.
- Khai thác thế mạnh, thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa
doanh nhân, doanh nghiệp với nông dân theo hướng xây dựng các mô hình sản xuất
theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh,
các tổ chức đại diện doanh nhân, doanh nghiệp, nông dân phát huy vai trò cầu nối
trong liên kết, hợp tác.
- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh
nghiệp với đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành,
các; trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học... thúc đẩy doanh nghiệp tiếp
cận khoa học công nghệ thông qua đội ngũ trí thức, gắn nghiên cứu với thử nghiệm,
tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ,
tăng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; phát huy
vai trò cầu nối của các tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp và các tổ
chức của đội ngũ trí thức.
- Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ chức của
doanh nhân, doanh nghiệp và giữa doanh nhân, doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp nhỏ
và vừa với doanh nghiệp lớn; giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nước, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi
cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết, hợp tác theo ngành, cụm sản
xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
6. Phát huy vai trò của Hiệp hội
doanh nghiệp tỉnh; tăng cường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung,
phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp
tỉnh để mở rộng hội viên, làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp,
doanh nhân với cơ quan quản lý nhà nước; đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp
của các doanh nghiệp, doanh nhân; tập hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh
nghiệp, doanh nhân và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết
kịp thời; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ doanh nhân, nhất là các câu lạc
bộ doanh nhân hoạt động trong cùng lĩnh vực để tạo thuận lợi cho việc phổ biến
kiến thức pháp luật, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và hỗ trợ nhau phát triển sản
xuất kinh doanh.
- Phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện giữ vai trò nòng cốt trong tuyên
truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân; lắng
nghe:, tập hợp, phản ảnh, phối hợp giải quyết tâm tư, nguyện vọng của doanh
nhân, doanh nghiệp; tham gia xây dựng, phản biện và giám sát việc thực hiện chủ
trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, pháp luật liên quan;
tham gia đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, thúc đẩy khởi nghiệp, tập hợp, liên kết,
hợp tác, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng, vận động,
thúc đây, khuyến khích doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh
doanh; tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu.
7. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng,
quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức Đảng tuyên truyền,
vận đông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong
lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng đối với
việc xây dựng, phát huy vai trò của đội ngu doanh nhân. Chú trọng phát triển đảng
viên, xây dựng tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp;
đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các loại hình doanh nghiệp đáp ứng
yêu cầu thời kỳ mới.
- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ
chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, nhất là tổ chức công đoàn, đoàn
thanh niên phù hợp với loại hình, địa bàn, tinh chất, quy mô hoạt động của
doanh nghiệp. Đổi mới phương thức quản lý nhà nước theo hướng lấy người dân,
doanh nghiệp là trung tâm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng quan hệ Nhà nước
- doanh nghiệp - người lao động; tăng cường hướng dẫn các tổ chức quân chúng phối
hợp với doanh nhân, doanh nghiệp trong hoạt động.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ
quan, đơn vị, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
thành phố:
- Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể của sở, ban,
ngành, cơ quan, đơn vị; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực
hiện và phân công đơn vị, cá nhân chủ trì thực hiện, đảm bảo phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của từng đơn vị. Chú trọng công tác kiểm
tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh
phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị
phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 41-NQ/TW trong Quý I năm 2024.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Hưng Yên đến
năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 gắn với xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ
doanh nhân (hoàn thành trước ngày 15/9/2024)
- Định kỳ trước ngày 01/11 hàng năm, các cơ quan,
đơn vị gửi báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng
hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện
Kế hoạch này./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, ĐUTTTU;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CV: THH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Lê Huy
|