Kế hoạch 1955/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định 358/QĐ-TTg do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 1955/KH-UBND
Ngày ban hành 03/06/2021
Ngày có hiệu lực 03/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tuấn Phong
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1955/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 03 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO TRẬT TỰ HÀNH LANG AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ XỬ LÝ DỨT ĐIỂM LỐI ĐI TỰ MỞ QUA ĐƯỜNG SẮT THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 358/QĐ-TTg NGÀY 10 THÁNG 3 NĂM 2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt (sau đây gọi tắt là Quyết định số 358/QĐ-TTg).

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 1349/SGTVT ngày 19/5/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo Quyết định số 358/QĐ-TTg như sau:

I. MỤC ĐÍCH

Phân công các Sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh triển khai thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 358/QĐ-TTg.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường sắt cho người dân, trong đó tập trung vào các đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo giấy, bảng quảng cáo, tờ rơi...; yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục thực hiện thường xuyên, liên tục.

2. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời và báo cáo, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở qua đường sắt theo quy định pháp luật; đồng thời, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân khi không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm được giao trong việc bảo vệ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.

3. Chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật; thực hiện phê duyệt phương án cắm mốc, công bố công khai phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt đã được phê duyệt theo thẩm quyền.

4. Rà soát lại diện tích đất trong hành lang an toàn giao thông đường sắt đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân và có kế hoạch, phương án thu hồi diện tích đất đã cấp theo quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng của ngành đường sắt cắm mốc ranh quy hoạch sử dụng đất và hành lang an toàn đường sắt và lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt, tổ chức xác định mốc giới đất dành cho đường sắt tại thực địa để bàn giao địa phương quản lý; tiếp tục thực hiện giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, ưu tiên giải tỏa các vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tiềm ẩn tai nạn giao thông; tổ chức phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm đất dành cho đường sắt; chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.

5. Hoàn thiện công tác rà soát, cập nhập, phân loại, lập hồ sơ quản lý vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt quốc gia đang khai thác; quản lý, theo dõi các lối đi tự mở đã rào xóa bỏ, rào thu hẹp và kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, tuyệt đối không để phát sinh lối đi tự mở mới.

III. LỘ TRÌNH, KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện:

- Giai đoạn đến hết năm 2021: Tiếp tục phối hợp với các đơn vị đường sắt thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ, bảo đảm an toàn tại các lối đi tự mở đã được xóa bỏ và các vị trí đang tổ chức cảnh giới; không để xảy ra tình trạng tháo dỡ các lối đi tự mở đã rào, xóa bỏ.

- Giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025: Xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại (bao gồm các vị trí đang tổ chức cảnh giới); đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm không để xảy ra tình trạng tháo dỡ các lối đi tự mở đã rào, xóa bỏ trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí tăng cường an toàn giao thông đường sắt và xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt quốc gia trên địa bàn tỉnh do địa phương thực hiện khoảng 203,31 tỷ đồng (số liệu tính toán theo Phụ lục I kèm theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ), bao gồm:

- Kinh phí để thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở (gờ giảm tốc, biển cảnh báo,… trên đường bộ), hoàn thành trong năm 2021 khoảng 2,5 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh hoặc từ nguồn ngân sách địa phương.

- Kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở theo địa bàn của từng địa phương giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 200,81 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương phân theo từng dự án trên địa bàn tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc từ nguồn ngân sách của địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và thành phố Phan Thiết thực hiện các nội dung sau:

- Rà soát diện tích đất trong hành lang an toàn giao thông đường sắt đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý thu hồi diện tích đất đã cấp theo quy định pháp luật.

- Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan quản lý đường sắt để rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm, các công trình gây ảnh hưởng mất an toàn giao thông đường sắt.

- Rà soát kỹ lưỡng nhằm xem xét, đề xuất các giải pháp xóa bỏ các lối đi tự mở còn lại kể cả việc xây dựng các công trình đường bộ khác mức với đường sắt hoặc nếu có nhu cầu cần thiết nâng cấp lên đường ngang hợp pháp phù hợp với tình hình giao thông thực tế thì địa phương phải bổ sung quy hoạch, bố trí nguồn kinh phí để xin chủ trương thực hiện theo quy định.

- Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ, chống lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.

- Có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho hành lang an toàn giao thông đường sắt.

- Phân công, giao nhiệm vụ và quy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

[...]