Kế hoạch 194/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 69/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới do Thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 194/KH-UBND
Ngày ban hành 17/09/2024
Ngày có hiệu lực 17/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 194/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 17 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 69/NQ-CP NGÀY 11/5/2024 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 46-NQ/TW NGÀY 20/12/2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ CÁCH MẠNG TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Thực hiện Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 69/NQ-CP trên địa bàn thành phố Cần Thơ như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 46-NQ/TW.

2. Các sở, ban ngành thành phố, các cấp tập trung tổ chức quán triệt, triển khai tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, người lao động và toàn xã hội về vị trí, vai trò của Hội Nông dân các cấp.

3. Các sở, ban ngành thành phố, các cấp cần xác định nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 46-NQ/TW.

4. Gắn việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 69/NQ-CP với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; Chương trình số 48-CTr/TU ngày 27/12/2022 của Thành ủy Cần Thơ về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình số 49-CTr/TU ngày 27/12/2022 của Thành ủy Cần Thơ về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

5. Trên tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng nông dân, lấy người dân làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân các cấp vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với phát triển ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, du lịch, đô thị và thị trường tiêu thụ; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần xây dựng và phát triển Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Mục tiêu cụ thể

Hàng năm, phấn đấu thực hiện các mục tiêu, cụ thể sau:

- Tập trung củng cố, kiện toàn tổ, chi hội; kết nạp từ 5.000 hội viên nông dân mới trở lên.

- 100% cán bộ hội nông dân chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ.

- Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 3.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 800 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp quận, huyện trở lên.

- Thành lập mới 48 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 30 chi hội nông dân nghề nghiệp.

- Vận động từ 1.400 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 60 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 06 hợp tác xã nông nghiệp.

- 81% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu, trong đó, có 55% số hộ trở lên đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

- 100% hội viên nông dân tham bảo hiểm y tế; 4.300 hội viên nông dân trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Phấn đấu giới thiệu 144 hội viên nông dân ưu tú cho Đảng bồi dưỡng và xem xét, kết nạp, trong đó, có 100 hội viên ưu tú được kết nạp đảng.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò, tầm quan trọng và triển khai thực hiện Nghị quyết

a) Các sở, ban ngành thành phố và địa phương đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền quan điểm, đường lối chủ trương Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong cán bộ, đảng viên, người lao động và quần chúng nhân dân.

b) Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, chú trọng truyền thông đại chúng nhằm tuyên truyền rộng rãi về Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị.

c) Gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền vận động nông dân chấp hành pháp luật với cơ chế giải quyết lợi ích thiết tha của hội viên, nông dân trong hoạt động của Hội; giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở và đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị gắn với chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

d) Phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình “Câu lạc bộ nông dân tỷ phú”, “Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, “Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông”; phát động phong trào “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể”; đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, hoạt động “Nhà nông sáng tạo”. “Nhà nông đua tài” để thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh.

[...]