Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 194/KH-UBND năm 2019 về triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025 tỉnh Hòa Bình”

Số hiệu 194/KH-UBND
Ngày ban hành 10/12/2019
Ngày có hiệu lực 10/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Bùi Văn Cửu
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 194/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 10 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG HỌC GIAI ĐOẠN 2020-2025 TỈNH HÒA BÌNH”

Căn cứ Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”;

Căn cứ Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ GD&ĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; Quyết định số 1506/QĐ-BGDĐT ngày 31/5/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” của ngành Giáo dục;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025 tỉnh Hòa Bình”, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”;

- Tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

2. Yêu cầu

- Bám sát nội dung của Đề án, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong triển khai Đề án, đảm bảo thời gian theo kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Xác định nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh và các huyện, thành phố; đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, chất lượng, gắn với thực hiện nhiệm vụ của năm học, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ sở giáo dục. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai Đề án.

3. Các chỉ tiêu cụ thể

- 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nhà trường.

- 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

- Có ít nhất 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt về tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

- Có ít nhất 95% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường; văn hóa trong nhà trường.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

a) Nội dung tuyên truyền

- Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, học sinh, sinh viên, gia đình và cộng đồng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học; về mục đích, ý nghĩa, biện pháp, trách nhiệm của nhà trường, gia đình người học, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; về thái độ, hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong trường học.

- Tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, yêu thương con người và truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc ta; nêu gương cán bộ, nhà giáo, nhân viên và người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử, các cá nhân điển hình, mô hình nhà trường thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa ứng xử.

b) Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên báo chí, truyền hình và các phương tiện thông tin khác của trung ương, địa phương, nhà trường.

Tuyên truyền thông qua tổ chức cuộc thi, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về ứng xử văn hóa trong trường học cho nhà giáo, người học tham gia; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền.

2. Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học

a) Căn cứ quy định quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan như cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh....

b) Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử. Bộ Quy tắc ứng xử phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với đối tượng (cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên), lứa tuổi, các cấp học (mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp) và văn hóa đặc trưng của địa phương.

c) Thủ trưởng các đơn vị, trường học có trách nhiệm quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học biết và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử.

[...]