Kế hoạch 1926/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu s​ố trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2024-2025

Số hiệu 1926/KH-UBND
Ngày ban hành 13/08/2024
Ngày có hiệu lực 13/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Dương Mah Tiệp
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1926/KH-UBND

Gia Lai, ngày 13 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 12-CT/TU NGÀY 13/02/2018 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP ỦY VỀ XÂY DỰNG LÀNG NÔNG THÔN MỚI TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2024-2025

Để việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (sau đây viết tắt là xây dựng làng nông thôn mới) gắn với công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân địa phương, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 12-CT/TU) giai đoạn 2024-2025 như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Tỉnh Gia Lai có hơn 46,2% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá cao trên tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Chỉ thị số 12-CT/TU là mô hình đặc trưng riêng của tỉnh. Sau hơn 06 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, công tác xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Nhận thức của người dân đã có sự thay đổi, tích cực tham gia vào xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU được nâng lên, bộ mặt thôn, làng ngày càng khang trang; sinh hoạt, tập quán của người dân trong làng từng bước được thay đổi theo hướng văn minh; đặc biệt là tập quán chăn nuôi thả rông, nuôi gia súc dưới sàn nhà dần được xóa bỏ; an ninh trật tự được giữ ổn định, các hoạt động văn hóa truyền thống được duy trì và phát huy; nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng làng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả thiết thực; đã huy động được nguồn lực tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và sức mạnh nội lực của Nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 128[1] làng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU trên địa bàn tỉnh còn hạn chế: Một số địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU còn chậm như Ia Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Chư Sê, thị xã An Khê. Việc tuyên truyền Chỉ thị số 12-CT/TU còn chung chung. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; người dân vẫn còn thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng làng nông thôn mới còn khó khăn; công tác kiểm tra, giám sát về việc xây dựng làng nông thôn mới chưa được thực hiện thường xuyên.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ thể của người dân, tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia trực tiếp của người dân, khắc phục khó khăn để thực hiện có hiệu quả việc xây dựng làng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng làng nông thôn mới là góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.

2. Yêu cầu

Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên liên tục, thực chất và xuất phát từ sự chủ động của người dân, để việc xây dựng làng nông thôn mới trở thành một phong trào toàn dân.

Lồng ghép có hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU với các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”

Huy động nguồn lực tổng hợp của các cấp, các ngành, địa phương, nội lực của Nhân dân, giúp sức của các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp, lồng ghép từ các chương trình, dự án đầu tư để hoàn thành mục tiêu xây dựng làng nông thôn mới.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng vừa tập trung cho phát triển sản xuất, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, người dân trong làng khi đau ốm được điều trị, lấy tiêu chí thu nhập và tiêu chí môi trường là thước đo đánh giá chất lượng làng nông thôn mới.

- Xây dựng các làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành các khu dân cư có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, ... giữ gìn được bản sắc và cốt cách của làng đồng bào dân tộc thiểu số, có kinh tế - xã hội phát triển, an ninh trật tự được đảm bảo, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu giai đoạn 2024-2025, có thêm 171 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (chi tiết tại Phụ lục kèm theo), cụ thể:

- Năm 2024: 96 thôn, làng, trong đó có 42 thôn, làng chưa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023;

- Năm 2025: 75 thôn, làng.

IV. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thực hiện các nhóm tiêu chí

1.1. Quy hoạch

Kiểm tra, rà soát, tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn phù hợp với quy hoạch chung của xã. Thực hiện cắm mốc đối với các công trình giao thông, văn hóa, phúc lợi theo quy hoạch đã được phê duyệt; công khai quy hoạch trên địa bàn.

1.2. Hạ tầng kinh tế - xã hội

- Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối từ trung tâm xã đến làng; liên làng phục vụ sản xuất và dân sinh cho người dân nông thôn.

[...]