Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1911/KH-UBND năm 2020 thực hiện Quyết định 1068/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1911/KH-UBND
Ngày ban hành 15/09/2020
Ngày có hiệu lực 15/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Huỳnh Nữ Thu Hà
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1911/KH-UBND

Gia Lai, ngày 15 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1068/QĐ-TTG NGÀY 22/8/2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 phù hợp với tình hình cụ thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

- Tạo sự chuyển biến trong nhận thức về sở hữu trí tuệ; tăng cường thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng sở hữu trí tuệ; tăng cường bảo vệ, ngăn chặn lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ; hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ.

2. Yêu cầu

Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến khích và bảo đảm hoạt động cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cũng như của xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội tỉnh Gia Lai.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ, giảm đáng kể tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

- Tăng số lượng và chất lượng tài sản trí tuệ trong các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Đảm bảo triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Có ít nhất 10 sáng chế, 15 kiểu dáng công nghiệp và 10 giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, có 05-10 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ và được đưa vào khai thác thương mại.

- Trên 80% các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP của tỉnh được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

- Các chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian, giống cây trồng được bảo hộ và khai thác hiệu quả phục vụ sản xuất, kinh doanh.

- Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho tỉnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giai đoạn đến năm 2030.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Triển khai chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp thúc đẩy sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các chương trình, kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và các ngành, lĩnh vực. Kịp thời cụ thể hóa các chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

- Xác định củng cố các dầu mối chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở các sở, ban, ngành và địa phương; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; xây dựng các quy chế phối hợp liên ngành trong việc khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ được bảo hộ.

- Đơn giản hóa, hiện dại hóa, công khai, minh bạch trình tự và thủ tục hành chính về sở hữu trí tuệ. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các thủ tục hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh.

- Hỗ trợ khai thác hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, số hóa dữ liệu về sở hữu trí tuệ; tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ của tỉnh; tập huấn, bồi dưỡng khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ của quốc gia, của tỉnh.

- Hỗ trợ khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ liên thông và kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

[...]