Kế hoạch 190/KH-UBND năm 2022 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 190/KH-UBND
Ngày ban hành 08/07/2022
Ngày có hiệu lực 08/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Dương Đức Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 190/KH-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO, KHẮC PHỤC CÁC TỒN TẠI HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo, quản lý nghiên cứu lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị...; các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; các chương trình, kế hoạch, giải pháp quản lý phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch được duyệt... Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy; giám sát của HĐND Thành phố, sự quản lý, điều hành quyết liệt của chính quyền UBND các cấp: sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc đã đạt được những kết quả cơ bản nhất định, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước được củng cố, nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn Thành phố còn một số tồn tại, bất cập cần phải khắc phục như: Tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc,... còn chậm, chất lượng một số đồ án quy hoạch còn có bất cập về cập nhật hiện trạng dự án, sử dụng đất, tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc, tính khả thi, ... dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch; việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ; thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch...

Những hạn chế, tồn tại nêu trên do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời, sâu sát, quyết liệt. Thể chế quản lý còn hạn chế, bất cập: năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số nơi còn chưa cao. Các quy định quản lý chưa đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung. Công tác kiểm tra, giám sát, sự phối hợp của các sở, ban, ngành Thành phố với các địa phương chưa chặt chẽ: việc kiểm tra, xử lý các sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn có tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc chưa xử lý quyết liệt, dứt điểm.

Căn cứ Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 02/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, củng cố, tạo sự chuyển biến thật sự rõ nét về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; Trên cơ sở báo cáo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Văn bản số 2423/QHKT-KHTH ngày 08/6/2022 và Kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tại Thông báo số 530-TB/BCSĐ ngày 28/6/2022, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch(1) trên địa bàn Thành phố, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Đẩy mạnh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch, kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển đô thị, nông thôn một cách hiện đại, chất lượng, đồng bộ, bền vững.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; khắc phục căn bản hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc. Chấm dứt tình trạng vi phạm quy hoạch.

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật các cấp, các quy định chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

- Củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý quy hoạch, kiến trúc từ Thành phố đến cấp huyện, nâng cao chất lượng phục vụ trong công tác quy hoạch.

2. Yêu cầu:

- Chấn chỉnh, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp nhằm khắc phục một cách toàn diện các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn Thành phố.

- Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp, cán bộ, công chức thực hiện công vụ trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.

- Xác định rõ các công việc, phân công tổ chức thực hiện gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.

- Tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa các sở, ban ngành, chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc.

- Thời gian thực hiện kế hoạch: Năm 2022 và các năm tiếp theo.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Về công tác quy hoạch:

1.1. Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc:

- Chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát, đẩy nhanh tiến độ phủ kín các quy hoạch còn thiếu trên địa bàn Thành phố. Tập trung hoàn thành các quy hoạch, quy chế đã được giao từ trước và Kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021÷2025 trên địa bàn Thành phố đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 837/QĐ-UBND ngày 04/3/2022 (tiếp tục bổ sung giai đoạn tiếp theo).

- Tập trung hoàn thành các quy hoạch quan trọng: Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu các khu chức năng, quy hoạch xây dựng vùng huyện..., nghiên cứu lập và điều chỉnh các quy hoạch có liên quan gắn với tiêu chí đô thị tại các huyện có chủ trương phát triển thành quận (các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng), gắn với định hướng Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy trình, quy định, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch và các nội dung khác liên quan (Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và quản lý quy hoạch; các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc và các quy định có liên quan; giải pháp kiểm soát, phân bổ dân số theo quy hoạch; phương pháp xác định dân số; condo-tel, office-tel,...); tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Luật Kiến trúc năm 2019, Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, đảm bảo đồng bộ và tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, đảm bảo sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn, sự phối hợp giữa các sở, ngành với các quận, huyện, thị xã; thường xuyên xin ý kiến các cơ quan chuyên môn cấp trên để được hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc.

1.2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, báo cáo UBND Thành phố về Quy trình lập, thẩm định phê duyệt dự toán quy hoạch và bố trí vốn cho công tác quy hoạch sử dụng vốn đầu tư công.

1.3. Giao Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu, báo cáo UBND Thành phố về Quy trình lập, thẩm định phê duyệt dự toán quy hoạch, bố trí và phân bổ vốn cho công tác quy hoạch sử dụng vốn chi thường xuyên, vốn sự nghiệp kinh tế.

1.4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các sở ngành về việc lập, sử dụng hệ thống bản đồ địa hình phục vụ công tác quy hoạch.

1.5. Ban Quản lý các khu Công nghiệp và chế xuất:

[...]