Kế hoạch 19/KH-BCĐTƯVSATTP năm 2013 triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2014 do Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành

Số hiệu 19/KH-BCĐTƯVSATTP
Ngày ban hành 05/12/2013
Ngày có hiệu lực 05/12/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/KH-BCĐTƯVSATTP

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỢT THANH TRA, KIỂM TRA LIÊN NGÀNH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG DỊP TẾT DƯƠNG LỊCH VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN NĂM 2014

Hằng năm, trong các dịp lễ, tết, kỳ nghỉ là những thời điểm toàn dân sử dụng thực phẩm tăng cao, bao gồm cả số lượng và chủng loại. Nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho người dân, căn cứ Luật ATTP, Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới, Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15/4/1999, Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm CLVSATTP, Quyết định số 408/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về VSATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP xây dựng Kế hoạch triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2014 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tăng cường bảo đảm ATTP cho cộng đồng trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm Giáp Ngọ 2014;

- Thông qua đợt thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

2. Yêu cầu:

- Thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp các dịp tết, nhất là Tết Nguyên đán, trong đó đặc biệt chú trọng các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ATTP, các làng nghề, các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn.

- Triển khai đồng loạt trong cả nước theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG

1. Đối tượng thanh tra, kiểm tra

1.1 Đối với cơ sở thực phẩm: Tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cụ thể bao gồm các nhóm sản phẩm:

- Thịt, giò, chả, thủy hải sản, trái cây, rau, củ, quả;

- Rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, dầu ăn, đường, sữa;

- Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

- Các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là gia súc, gia cầm, sản phẩm của gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP.

1.2 Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các đoàn của tuyến trên sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác bảo đảm ATTP tại địa phương; kiểm tra việc triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP trong dịp Tết dương lịch và tết Nguyên đán 2014.

2. Nội dung thanh tra:

2.1 Đối với cơ sở thực phẩm: Thanh tra việc thực hiện các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với sản phẩm thực phẩm và cơ sở thực phẩm. Nội dung cụ thể thực hiện theo Phụ lục số 1 kèm theo bản Kế hoạch này.

2.2 Đối với cơ quan quản lý: Tập trung kiểm tra việc triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP tại địa phương, cụ thể bao gồm:

- Việc xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2014 (Xây dựng kế hoạch; ban hành văn bản chỉ đạo; triển khai chiến dịch truyền thông, chiến dịch thanh tra, kiểm tra về ATTP...);

- Trực trạng công tác bảo đảm ATTP, tình hình vi phạm, xử lý các vi phạm về bảo đảm ATTP năm 2013 tại địa phương.

III. PHƯƠNG PHÁP

Cơ quan quản lý nhà nước về ATTP các cấp thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại cơ sở thực phẩm. Trong đó, các đoàn của Trung ương và tuyến tỉnh sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với tuyến huyện, tuyến xã tập trung vào các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Việc thanh tra, kiểm tra thực hiện theo quy trình chung tiến hành một cuộc thanh tra (Tóm tắt quy trình thanh tra được thể hiện tại Phụ lục số 2 kèm theo bản Kế hoạch này). Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra, các địa phương tiến hành nhận xét, đánh giá việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý.

IV. XỬ LÝ VI PHẠM

Trường hợp phát hiện vi phạm, Đoàn thanh tra, kiểm tra phải tiến hành xử lý theo đúng quy định, tuyệt đối không để sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, không có nhãn hoặc có nhãn sai quy định tiếp tục lưu thông trên thị trường; các cơ sở thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.

[...]