Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 188/KH-UBND năm 2020 về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021

Số hiệu 188/KH-UBND
Ngày ban hành 30/11/2020
Ngày có hiệu lực 30/11/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 30 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2021

Phần I

TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN NĂM 2020

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI

1. Chăn nuôi trâu, bò: thời gian qua trên địa bàn tỉnh tình hình chăn nuôi trâu có xu hướng giảm, đàn bò tăng nhẹ. Đàn trâu giảm do diện tích chăn thả bị thu hẹp, thiếu nhân lực chăn thả, sức cày kéo của gia súc được thay thế dần bằng máy móc cơ giới, chăn nuôi nhỏ lẻ không đem lại hiệu quả kinh tế. Ước tính số đầu con trâu hiện có 83,4 nghìn con, giảm 9,8% so cùng kỳ; số bò hiện có 33,4 nghìn con, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

2. Chăn nuôi lợn: tổng đàn lợn hiện có tại thời điểm 01/10/2020 là 104.366 con, tăng 6,89% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn tỉnh đang dần được phục hồi tại thời điểm 01/10/2020 tăng 1,63% (+1.675 con) so với thời điểm 01/7/2020. Dự báo trong quý IV, tổng đàn lợn sẽ tiếp tục tăng do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi dần được khống chế, bên cạnh đó để chuẩn bị cho nhu cầu tiêu thụ lợn tăng cao vào dịp Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

3. Chăn nuôi gia cầm: đàn gia cầm tăng do không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giá cả và thị trường ổn định, người chăn nuôi theo hướng đầu tư với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí. Ước tính tổng đàn hiện có 5.217,08 nghìn con, trong đó tổng đàn gà là 4.552,75 nghìn con tăng 3,11% so với cùng kỳ; đàn vịt là 676,01 nghìn con, tăng 54,59% so với cùng kỳ năm trước; đàn ngan 18,32 nghìn con, giảm 64,72% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng gà trong kỳ là 13.747,46 nghìn quả, tăng 21,38% so với cùng kỳ năm trước.

II. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH, NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH

1. Tình hình dịch bệnh:

- Bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 11/11 huyện, thành phố, tính đến ngày 12/11/2020 xảy ra tại 1.082 hộ/387 thôn/119 xã, phường, thị trấn; tiêu hủy 3.471 con lợn với tổng trọng lượng là 164.328 kg (trong đó: lợn thịt, lợn con là 2.987 con/107.866 kg; lợn nái, lợn đực giống là 484 con/56.462 kg), đến nay đã có 105/119 xã, phường, thị trấn đã qua 21 ngày không phát sinh dịch.

- Bệnh Dại trên đàn chó xảy ra tại 20 hộ/18 thôn/18 xã/06 huyện, thành phố (Bắc Sơn, Cao Lộc, Chi Lăng, Lộc Bình, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn), cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã lấy 46 mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm, kết quả 20/46 mẫu dương tính, hiện nay trên địa bàn tỉnh không có ổ dịch bệnh Dại trên đàn chó.

- Bệnh Lở mồm long móng (LMLM) gia súc: xảy ra từ cuối tháng 10/2020 tại 18 hộ/04 thôn/03 xã, thị trấn/02 huyện (Chi Lăng, Bình Gia) với tổng số trâu, bò mắc bệnh là 70 con (20 trâu, 50 bò). Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh tại huyện Chi Lăng là do nhập trâu về nuôi không qua kiểm dịch vận chuyển từ dự án giảm nghèo của huyện, người dân phát hiện trâu ốm không khai báo với cơ quan chuyên môn; tại huyện Bình Gia do tái phát từ ổ dịch cũ; một số xã trâu, bò chưa được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng.

- Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra từ ngày 13/10/2020 tại xã Quyết Thắng huyện Hữu Lũng, tính đến ngày 12/11/2020 bệnh xảy ra tại 89 hộ/33 thôn/17 xã của 05 huyện (Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan, Tràng Định, Cao Lộc), số con bò bị bệnh 134 con, chết và tiêu huỷ 07 con. Ổ dịch tại huyện Hữu Lũng là ổ dịch đầu tiên tại Việt Nam về bệnh Viêm da nổi cục, bệnh có nguy cơ bùng phát và lây lan ra diện rộng.

2. Nguyên nhân phát sinh:

- Bệnh dịch tả lợn Châu Phi: năm 2019 bệnh xảy ra tại 225/226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn, vì vậy mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi, thời tiết thay đổi nắng ẩm, mưa nhiều, sức đề kháng của vật nuôi giảm làm phát sinh dịch bệnh; do hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn con giống, lợn thịt từ các tỉnh khác đưa vào địa bàn nguy cơ tiềm ẩn làm phát sinh và lây lan dịch.

- Bệnh dại trên đàn chó, mèo: do nhận thức của bà con chăn nuôi chó, mèo (đặc biệt tại các thôn vùng sâu, vùng xa) không chấp hành khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về công tác tiêm phòng vắc xin dại (tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, khoảng 30%/tổng đàn), bên cạnh đó do biến đổi khí hậu thời tiết nóng kéo dài là nguyên nhân phát sinh bệnh dại trên đàn chó, mèo.

- Bệnh Viêm da nổi cục là một bệnh mới xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bệnh xảy ra tại tỉnh Quảng Tây (cách Biên giới Việt Nam khoảng 200 km) vào khoảng tháng 7/2020, vì vậy có thể là nguyên nhân phát sinh và lây lan dịch; chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học.

- Bệnh Cúm gia cầm: qua kết quả giám sát lưu hành vi rút cho thấy, vi rút cúm gia cầm vẫn lưu hành trên đàn gia cầm tại một số chợ trên địa bàn tỉnh. Đàn gia cầm hầu hết chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm gặp thời tiết bất lợi suy giảm sức đề kháng và phát bệnh, bên cạnh đó các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tại các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ; ý thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh chưa cao, do vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát các dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, dịch tả lợn Châu Phi...

3. Nhận định: năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên thế giới và trong nước vẫn có nhiều diễn biến khó lường; chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ, tự phát vẫn chiếm tỷ lệ cao, tình hình thời tiết biến động thất thường do biến đổi khí hậu, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tỷ lệ tiêm phòng một số nơi còn thấp nên nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao.

4. Hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật cạn năm 2020

- Một số bệnh truyền nhiễm như DTLCP, bệnh Dại chó vẫn còn xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại cho sản xuất. Bệnh DTLCP xảy ra tại 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, xảy ra lẻ tẻ tại các địa phương và chưa có khả năng dập tắt.

- Công tác tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm đợt tập trung còn kéo dài, tỷ lệ tiêm phòng chưa đồng đều ở các địa phương, cá biệt có địa phương còn thấp, có địa phương không tổ chức tiêm phòng.

- Chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, ý thức phòng chống dịch bệnh của một số hộ chăn nuôi chưa cao do vậy còn gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Năng lực của một số cán bộ thú y cơ sở còn hạn chế, chế độ hỗ trợ cho thú y viên không đảm bảo cuộc sống do đó một số xã không có hoặc thiếu thú y viên, một số xã thú y viên xin nghỉ để làm công việc khác do đó đã ảnh hưởng đến công tác theo dõi, phòng chống bệnh dịch trên địa bàn.

Phần II

KẾ HOẠCH CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2021

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

[...]