Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 185/KH-UBND năm 2024 thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 185/KH-UBND
Ngày ban hành 01/03/2024
Ngày có hiệu lực 01/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 185/KH-UBND

An Giang, ngày 01 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Tình hình sử dụng thuốc lá trên Thế giới và Việt Nam

Theo báo cáo của WHO, trong năm 2022, trên toàn thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, giảm so với 1,32 tỷ người trong năm 2018. Con số này dự kiến giảm xuống 1,27 tỷ người vào năm 2025, tương đương mức giảm khoảng 50 triệu người trong giai đoạn 7 năm, ngay cả khi dân số toàn cầu gia tăng. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên trên thế giới dự kiến giảm xuống còn 20% vào năm 2025, so với mức hơn 30% ghi nhận vào năm 2000.

Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành là 45,3%; năm 2020 là 42,3%. Phấn đấu đến năm 2030 giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1% (theo Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030).

Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động năm 2015 so với 2020 như sau: tại nơi làm việc 42,6% so với 30,9% (giảm 11,7%); tại nhà hàng 80,7% so với 78,1% (giảm 2,6%); tại quán bar/cà phê/trà 89,1% so với 86,2% (giảm 2,9%).

Hiện nay vấn đề mới nổi lên là cần phải ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

2. Tình hình phòng chống tác hại thuốc lá An Giang

An Giang là tỉnh nông nghiệp biên giới phía Nam, có dân số đông gần 2 triệu người. Tỉnh có cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Vĩnh Xương. Cả tỉnh có 1 xí nghiệp sản xuất thuốc lá.

Trong 10 năm qua việc thực hiện Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) luôn được sự quan tâm, ủng hộ và sự tham gia của các cấp, các ban, ngành, đoàn, thể, người dân ủng hộ, hưởng ứng; các cơ quan, đơn vị đã ban hành các văn bản chỉ đạo đã góp phần giúp nâng cao tinh thần thực hiện tốt Luật PCTHTL và xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại nơi làm việc đạt hiệu quả cao và có sự chuyển biến rõ rệt trong hành động.

Các tồn tại là phong tục, văn hóa hút thuốc người Việt Nam từ xưa đến nay xem nhẹ tác hại do hút thuốc lá thụ động và chưa hiểu rõ tác hại của hút thuốc lá điện tử. Kinh doanh, quảng cáo thuốc lá điếu, điện tử chưa đúng, chưa được xử lý theo quy định; còn nhiều điểm bán như bán lẻ trên đường, các tiệm tạp hóa, quán cà phê. Mặt khác, tổ chức cai nghiện thuốc lá chưa được chú trọng.

Cuối cùng, kinh phí dành cho hoạt động thực hiện luật PCTHTL chưa được bố trí thường xuyên như một hoạt động chăm sóc sức khỏe y tế đáng được quan tâm.

Các năm 2018, 2022 có tỷ lệ sử dụng thuốc lá trên địa toàn tỉnh 32,13% và 23,6%, giảm 9,7%.

Trong đó, năm 2022 tỷ lệ hút thuốc trên 15 tuổi ở nam giới là 40,1%, nữ giới là 7,2%. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại các địa điểm: tại nơi làm việc là 24,5%, cơ quan nhà nước là 10,4%, cơ sở y tế là 9,4%, nhà hàng: 13,3%, tại khách sạn 0,3%, tại quán cà phê/bar là 39,4%, phương tiện giao thông công cộng là 0,2%, cơ sở giáo dục từ mẫu giáo đến THPT là 4,5% (theo điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại An Giang năm 2022).

Giai đoạn 2015-2022 công tác về PCTH thuốc lá được triển khai với nhiều văn bản được ban hành, nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng: Mitting 02 cuộc, nói chuyện chuyên đề 81 buổi; các hội thi 12 lần; tập huấn 29 lớp, .... Qua đó kiến thức hiểu biết về tác hại thuốc lá không ngừng tăng lên: “hút thuốc lá gây các bệnh nguy hiểm chiếm 96,4%; 90% cơ quan, đơn vị thực hiện “môi trường không khói thuốc lá” (điều tra 2022). Kết quả này phản ánh sự nỗ lực của các cấp, các ngành và chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá.

3. Cơ sở Pháp lý

Căn cứ Luật số 09/2012/QH13 ngày 18 tháng 06 năm 2012 của Quốc Hội về Phòng Chống tác hại của thuốc lá.

Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, về Chiến lược quốc gia PCTH thuốc lá đến năm 2030.

Từ các số liệu điều tra nêu trên, việc xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh là cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp chủ đạo và phải được lồng ghép vào các chương trình, chiến lược về nâng cao sức khỏe để tăng cường, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng.

2. Yêu cầu

Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá phải được sự quan tâm của Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị và phải được coi là một nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất liên ngành.

Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường sự phối hợp liên ngành và hợp tác hội nhập quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

[...]