Kế hoạch 1832/KH-UBND năm 2010 về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) do Ủy ban nhân dân Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 1832/KH-UBND
Ngày ban hành 26/01/2010
Ngày có hiệu lực 26/01/2010
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Quận 8
Người ký Nguyễn Thành Chung
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 8
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1832/KH-UBND

Quận 8, ngày 26 tháng 01 năm 2010

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM (2011 - 2015)

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận 8 lần thứ X đề ra. Đây là giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng, không chỉ phát triển kinh tế bền vững mà còn phát triển các mặt về văn hóa - xã hội, xây dựng môi trường đô thị văn minh hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, hòa nhập vào sự phát triển chung của thành phố. Ủy ban nhân dân quận 8 đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 - 2010

I. Kết quả đạt được và nguyên nhân:

A- Kết quả đạt được:

1. Về lĩnh vực kinh tế:

Kinh tế quận vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo hoàn thành tốc độ gia tăng theo kế hoạch đề ra hàng năm. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn (2006 - 2010) tăng bình quân 19,67%/năm (Nghị quyết đảng bộ 15 - 17%/năm), tốc độ tăng chậm hơn giai đoạn trước (giai đoạn 2001 - 2005 tăng 22,62%/năm). Doanh thu thương mại - dịch vụ tăng bình quân 41,14%/năm (Nghị quyết 23-25%/năm), tốc độ tăng nhanh hơn giai đoạn trước (giai đoạn 2001 - 2005 tăng 20,06%/năm). Kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục trong 3 năm 2006 - 2008, bình quân tăng 9,58%/năm; ước năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 60 triệu USD. Tính chung giai đoạn 2006 - 2010, kim ngạch xuất khẩu giảm 3,78%/năm (giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân 32,07%/năm).

Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng doanh thu dịch vụ - thương mại từ 59,85% năm 2005 tăng lên 83,24% năm 2010, doanh thu công nghiệp giảm từ 40,15% xuống còn 16,76%. Trong doanh thu dịch vụ - thương mại, doanh thu dịch vụ chiếm từ 7 - 8%, doanh thu chợ Bình Điền chiếm tỷ trọng 64,62%. Các dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, vận tải, kho bãi, bảo hiểm…chiếm tỷ trọng không đáng kể. Quận đã xây dựng đề án thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn quận 8 giai đoạn 2009 - 2011, định hướng đến năm 2015 - 2020, triển khai xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn quận từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng.

Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân, quận đã kêu gọi đầu tư xây dựng mới 3 chợ: chợ Phú Lợi I và Phú Lợi II tại phường 7, chợ Phú Định tại phường 16; di dời chợ Bình Đông từ phường 15 sang phường 14; xây dựng mới 01 siêu thị Coopmart tại phường 13 và 01 Trung tâm Thương mại Bình Điền tại phường 7; thực hiện duy tu sửa chữa 8 chợ. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 17/2009/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2009 (thay thế Quyết định 144/2003/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố) về ban hành quy hoạch định hướng phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2009 đến năm 2015, theo đó dự kiến đến năm 2010, quận 8 phát triển thêm 02 siêu thị tại phường 4 và phường 5; 02 trung tâm thương mại tại phường 6 và phường 7. Đã hoàn thành cơ bản kế hoạch đấu thầu các chợ loại 3 trên địa bàn.

Quận đã tổ chức thực hiện quy trình “một cửa” liên thông trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh. Tổ chức triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn quận; qua đó trong 5 năm (2006 - 2010), số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tăng bình quân 20,10%/năm, tăng nhanh hơn giai đoạn trước (giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân 16,61%/năm), số lượng cơ sở tăng bình quân 2,69%/năm.

Định kỳ tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền quận 8 trên nhiều lĩnh vực, kịp thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Đồng thời, tăng cường kiểm tra sau đăng ký kinh doanh, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi đầu cơ, tăng giá, hàng gian, hàng giả, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Hoạt động hợp tác xã đang trong giai đoạn củng cố, chuyển đổi ngành nghề, các lĩnh vực hoạt động đa dạng hơn; đến nay đã có 23 hợp tác xã và 01 chi nhánh hoạt động theo Luật hợp tác xã. Trong đó, 11 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, phát triển thêm ngành nghề và sản phẩm mới; 5 hợp tác xã hoạt động ổn định, 04 hợp tác xã mới thành lập cũng đã xây dựng và hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, 03 hợp tác xã đang gặp khó khăn về vốn và mô hình hoạt động.

2. Về lĩnh vực thuế - tài chính:

- Thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 24,36%/năm, thấp hơn giai đoạn trước (giai đoạn 2001 - 2005 tăng 40,62%/năm, do được phân cấp thêm 3 khoản thu lệ phí trước bạ nhà đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất từ tháng 12/2003). Nếu không tính yếu tố phân cấp, thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 tăng 5,91%/năm so với giai đoạn 2001 - 2005. Tình hình thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 đạt được nhiều kết quả khả quan, qui mô ngân sách tăng gấp đôi giai đoạn 2001-2005, tăng đều hàng năm và vượt dự toán được giao, trong đó thuế công thương nghiệp tăng bình quân 28,81%/năm, tỷ trọng tăng dần trong tổng thu ngân sách Nhà nước, chiếm từ 42,32% năm 2006 lên 48,71% năm 2010. Đây là dấu hiệu tích cực từ tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Thu ngân sách địa phương giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 17,32%/năm. Thu điều tiết của ngân sách địa phương ngày càng tăng, giai đoạn 2006 - 2010 chiếm tỷ trọng 40,91% tổng thu, cao hơn giai đoạn 2001 - 2005 (tỷ trọng 38,16% tổng thu) và tăng bình quân 9,35%/năm. Thu bổ sung từ ngân sách thành phố chiếm tỷ trọng ngày càng giảm nhưng vẫn là nguồn thu quan trọng trong tổng thu ngân sách địa phương, giai đoạn 2006 - 2010 chiếm tỷ trọng 59,09% tổng thu, thấp hơn giai đoạn 2001 - 2005 (tỷ trọng 61,84% tổng thu) và tăng bình quân 22,52%/năm.

- Chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,10%/năm. Tỷ trọng chi đầu tư xây dựng trong giai đoạn này là 17,89% tổng chi, bình quân đạt 58,231 tỷ đồng/năm. Tốc độ chi đầu tư tăng bình quân 12,59%/năm, chi thường xuyên tăng bình quân 17,53%. tổng chi. Qua 4 năm thực hiện, đã tiết kiệm ngân sách 55,989 tỷ đồng; trong đó, tiết kiệm đầu tư xây dựng cơ bản 4,040 tỷ đồng, mua sắm tài sản 903 triệu đồng, chi thường xuyên 51,046 tỷ đồng. Tổ chức bán đấu giá thành công 9 trụ sở dôi dư với tổng giá trị 29,435 tỷ đồng, tăng 1,220 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

- Trong chi thường xuyên, chi sự nghiệp giáo dục chiếm 38,49%, tăng bình quân 18,73%/năm; kết dư ngân sách được sử dụng bổ sung bình quân 2 tỷ đồng/năm cho ngành giáo dục để chi đào tạo nâng chuẩn giáo viên, mua sắm trang thiết bị (chi đào tạo nâng chuẩn giáo viên 4 năm 2006 - 2009 là 2,4 tỷ đồng), góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; chi sự nghiệp y tế chiếm 15,59%, tăng bình quân 24,64%/năm, từ năm 2006 đến năm 2009, ngân sách bố trí chi thường xuyên 9,531 tỷ đồng cho trang thiết bị y tế. Tốc độ tăng chi sự nghiệp xã hội bình quân 17,39%/năm. Hàng năm, ngân sách đều bảo đảm chi trợ cấp xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách đầy đủ, kịp thời theo quy định; bổ sung quỹ xóa đói giảm nghèo từ năm 2006 đến năm 2009 là 2,2 tỷ đồng.

Nhìn chung, qua tình hình thực hiện ngân sách giai đoạn 2006 - 2010, ngân sách địa phương đã đáp ứng cơ bản các nhiệm vụ chi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nguồn thu được tập trung kịp thời vào ngân sách, chi tiêu kinh phí tiết kiệm, hợp lý. Kết quả thu chi ngân sách có nhiều tiến triển, có tăng thu và tiết kiệm chi, kết dư ngân sách thực tăng 25,59%/năm. Cơ cấu chi theo từng lĩnh vực bố trí theo khả năng ngân sách, quan tâm sự nghiệp giáo dục, y tế, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Bố trí cơ cấu chi đầu tư hợp lý, tập trung kinh phí xây dựng, cải tạo trường lớp, nâng cấp các tuyến đường giao thông được phân cấp, các hẻm công cộng, trụ sở làm việc cơ quan Nhà nước, tạo chuyển biến đáng kể về cơ sở hạ tầng kỹ thuật của quận.

3. Về quản lý, phát triển và quy hoạch đô thị:

- Công tác quản lý và phát triển đô thị được tăng cường, trong đó cấp phép xây dựng đạt mức độ hài lòng của người dân 95% nhờ áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000. Dự kiến năm 2010, diện tích nhà ở bình quân trên đầu người 14m2. Tăng cường kiểm tra an toàn các phương tiện đường sông tại 7 bến đò ngang, an toàn lưới điện; từng bước chấn chỉnh việc xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn.

- Công tác quy hoạch đô thị được quan tâm thực hiện tốt theo phân cấp của thành phố; thường xuyên cập nhật, đối chiếu, điều chỉnh quy hoạch phục vụ công tác quản lý đô thị. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung quận 8 đến năm 2025 tỷ lệ 1/5000. Ủy ban nhân dân quận 8 đã phê duyệt 12/12 nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Hoàn thành quy hoạch giao thông dưới 12m trên toàn địa bàn. Dự kiến cuối năm 2010, sẽ phủ kín quy hoạch 1/2000 trên toàn địa bàn và điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp. Phấn đấu 100% quy hoạch đã phê duyệt phải được công khai theo đúng quy định. Công bố quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.

- Việc đảm bảo người dân được sử dụng nước sạch được quan tâm thực hiện, đã phối hợp Công ty Cấp nước gắn đồng hồ tổng cho các đường hẻm không thể lắp đường ống cấp nước để giải quyết tạm thời cho người dân, đến nay tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt trên 90%. Quận đã xây dựng, bổ sung các kế hoạch, phương án ứng phó phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm, thống kê, kiểm tra phương tiện, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão nhằm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.

4. Về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội:

- Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đã có sự tập trung về danh mục ưu tiên đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm, công trình giáo dục, nâng cấp hẻm công cộng. Tận dụng mọi cơ hội, tranh thủ sự quan tâm của thành phố ghi vốn các công trình sửa chữa lớn và vừa, nhiều tuyến đường, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, trụ sở làm việc cơ quan hành chính Nhà nước đã được đầu tư, nâng cấp sửa chữa mới từ nguồn vốn ngân sách, đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội của quận.

- Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện 4 năm (2006 - 2009) là 438,056 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố tập trung 230,279 tỷ đồng, vốn phân cấp 190,869 tỷ đồng và vốn quận 16,908 tỷ đồng. Năm 2010, dự kiến nhu cầu vốn 881,693 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố tập trung 725,186 tỷ, vốn phân cấp 154,607 tỷ đồng, vốn quận 1,9 tỷ đồng.

- Hạ tầng giao thông đã được cải thiện đáng kể, các tuyến đường kết nối liên thông giữa quận 8 với các quận lân cận đã được đầu tư đưa vào sử dụng như: cầu đường Nguyễn Văn Cừ, nâng cấp cầu Chà Và, cầu Chữ Y, mở rộng đường Dương Bá Trạc, đường Phạm Hùng; các tuyến giao thông huyết mạch của quận như đường Tạ Quang Bửu, đường Phạm Thế Hiển đã được cải tạo nâng cấp từng phần; một số tuyến đường giao thông nội bộ đã được sửa chữa như đường Trương Đình Hội, đường Thanh Niên, đường 41, đường vào Trung tâm Thương mại Bình Điền phường 7… đã góp phần từng bước tạo điều kiện cho quận 8 phát triển các mặt kinh tế - xã hội.

[...]