Kế hoạch 183/KH-UBND năm 2019 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020

Số hiệu 183/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2019
Ngày có hiệu lực 31/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Trì
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 183/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH VĨNH PHÚC NĂM 2020

Phần I

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH VĨNH PHÚC NĂM 2019

I. KẾT QUẢ

1. Ứng dụng công nghệ thông tin để công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính

- Cổng thông tin - Giao tiếp điện tử (TT-GTĐT) tỉnh và 42 Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của ngành, địa phương được vận hành, cập nhật dữ liệu theo quy định. Các Cổng TTĐT đã cơ bản đăng tải công khai các thông tin theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ, qua đó góp phần đẩy mạnh minh bạch và tiếp cận thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân với các cơ quan Nhà nước.

- Cổng TT-GTĐT tỉnh hiện đăng tải 1.745 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó chủ yếu là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và 2, đặt liên kết đến 1.246 TTHC giải quyết qua Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 366 danh mục TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, trong đó: cấp tỉnh 322 danh mục, cấp huyện 39 danh mục, cấp xã 05 danh mục.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ phận một cửa

- Tiếp tục triển khai và vận hành hiệu quả hệ thống phần mềm ứng dụng cho Bộ phận một cửa tại 20 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 09 UBND huyện, thành phố và 137 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 20/12/2019, hệ thống đã tiếp nhận 307.169 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 247.234 hồ sơ (đạt tỷ lệ 80,5%), số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 94,2%.

- Phần mềm Một cửa hành chính công ứng dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp tục được vận hành và khai thác hiệu quả. Năm 2019, đã tiếp nhận 36.442 hồ sơ, đã giải quyết 34.675 hồ sơ (đạt tỷ lệ 95,15%), số hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 98.16%. Ngày 01/11/2019, chữ ký số, bàn ký điện tử và phần mềm Zalo để trao đổi thông tin với người nộp hồ sơ được chính thức vận hành, sử dụng, mang lại kết quả tích cực, tiết kiệm chi phí, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ

- Phần mềm quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH): đã được nâng cấp và triển khai tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 137 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Phần mềm QLVB&ĐH sau khi được nâng cấp sử dụng mã định danh các cơ quan, đơn vị Nhà nước được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 19/9/2018, liên thông với UBND tỉnh, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành qua Trục liên thông văn bản quốc gia, đồng thời bảo đảm tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đáp ứng quy trình gửi, nhận văn bản điện tử tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ Nội vụ.

- Ứng dụng thư điện tử công vụ: đã được nâng cấp vào giữa năm 2019. Hiện cấp gần 8.000 hộp thư điện tử cho 100% cơ quan, đơn vị địa phương (trừ viên chức thuộc ngành y tế, giáo dục). Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thư điện tử còn thấp (theo báo cáo định kỳ hàng tháng về kết quả ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT của Sở TT&TT).

- Ứng dụng chữ ký số: đã thực hiện bàn giao 800 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ, bao gồm 391 chứng thư số cơ quan và 409 chứng thư số cá nhân. Từ 15/11/2019, nhiều sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã triển khai ký số văn bản đi và phát hành trên phần mềm QLVB&ĐH.

- Bên cạnh việc sử dụng các ứng dụng dùng chung nêu trên, hầu hết các đơn vị, địa phương đều sử dụng các phần mềm quản lý, chuyên ngành như: Quản lý kế toán - tài chính, tài sản; Quản lý nhân sự; Quản lý hộ tịch; Quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phần mềm các ngành thuế, kho bạc, hải quan,...

4. Kết quả triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu

Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành tại các sở, ngành tiếp tục được cập nhật, nâng cấp và ứng dụng hiệu quả trong hoạt động quản lý và tác nghiệp chuyên môn. Một số hệ thống CSDL: Bộ TTHC trên Cổng TT-GTĐT tỉnh, GIS hạ tầng viễn thông tỉnh, GIS giao thông tỉnh, CSDL ngành công thương, một số CSDL khoa học công nghệ, CSDL ngành Lao động, thương binh và xã hội, CSDL về giá... đã được vận hành, hiệu quả; các CSDL quan trọng của tỉnh được lưu trữ, bảo đảm an toàn và quản lý tập trung tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh.

5. Hạ tầng kỹ thuật

- 100% các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN, 100% kết nối Internet cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; gần 100% CBCCVC cấp tỉnh, khoảng 95% CBCCVC cấp huyện, 80% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính. Tuy nhiên, nhiều trang thiết bị được trang bị theo các giai đoạn khác nhau, chưa bảo đảm đồng bộ, còn nhiều thiết bị cũ, ảnh hưởng tới việc triển khai các ứng dụng dùng chung.

- Đã tổ chức triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Vĩnh Phúc và thí điểm kết nối một số hệ thống ứng dụng CNTT qua LGSP của tỉnh như: Dịch vụ liên thông hồ sơ TTHC qua LGSP; Dịch vụ nền tảng quản lý văn bản.

- Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng: đã xây dựng trục đường cáp quang và lắp đặt thiết bị đầu cuối tại 55 cơ quan, đơn vị. Hệ thống mạng diện rộng (WAN) của tỉnh đã kết nối 33 đơn vị, địa phương qua mạng truyền số liệu chuyên dùng (thực hiện từ năm 2014).

- Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến: gồm 01 điểm tập trung tại UBND tỉnh, 09 điểm tại UBND các huyện, thành phố và 02 điểm tại các sở, ngành đã được vận hành hiệu quả, phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh và cấp huyện, góp phần tiết kiệm thời gian, ngân sách, bảo đảm nhiều thành phần cán bộ CCVC có thể tham gia hội nghị.

- Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin:

+ Đã có 24 sở, ngành và 09 huyện, thành phố được trang bị các trang thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Bên cạnh đó, Trung tâm Hạ tầng Thông tin tỉnh đã triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn dữ liệu, liên kết, tích hợp kỹ thuật, vận hành, bảo mật cho các ứng dụng và CSDL của tỉnh, ngành với hệ thống thiết bị, phần mềm bảo mật, an toàn an ninh thông tin đồng bộ, hiện đại.

+ Tổ chức triển khai cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc theo mô hình quản lý tập trung nhằm nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại cho các máy trạm và thiết bị đầu cuối tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Phần mềm có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu mã độc về Bộ TT&TT.

+ Tổ chức diễn tập an toàn thông tin (ATTT) các cơ quan Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019 với chủ đề “Diễn tập phát hiện và phối hợp xử lý tấn công hệ thống CNTT phục vụ CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019” nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin của tỉnh và nâng cao năng lực tổ chức, kỹ năng phối hợp, phân tích, xử lý sự cố ATTT mạng của cán bộ quản lý, vận hành các hệ thống thông tin của tỉnh.

+ Tiếp tục triển khai dự án: Tăng cường bảo đảm an toàn an ninh thông tin cho Trung tâm Hạ tầng Thông tin và các thiết bị tường lửa cho 10 cơ quan đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh để bảo đảm 100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện có thiết bị tường lửa bảo vệ ATTT.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ