Kế hoạch 181/KH-UBND năm 2014 xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2020

Số hiệu 181/KH-UBND
Ngày ban hành 03/12/2014
Ngày có hiệu lực 03/12/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Trần Thị Thái
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 181/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 03 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN PHÙ HỢP VỚI TRẺ EM TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2014-2020

Căn cứ Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em;

Căn cứ công văn số 2928/LĐTBXH-BVCSTE ngày 12 tháng 8 năm 2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2020 với những nội dung như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN TIÊU CHUẨN XÃ, PHƯỜNG PHÙ HỢP VỚI TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2011-2013:

1. Công tác triển khai Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ:

Căn cứ Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH- UBND ngày 29 tháng 3 năm 2011 về việc xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em giai đoạn 2011-2015 và triển khai thực hiện tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Mục tiêu đề ra đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 90% xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường phù hợp với trẻ em (theo 25 tiêu chí). Kết quả đến năm 2013 có 141/144 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường phù hợp với trẻ em, đạt 97.9%. Năm 2014, xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em thực hiện theo Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ (theo 15 tiêu chí), nếu trong năm 2013 áp dụng thực hiện theo Quyết định 34/2014/QĐ-TTg chỉ đạt 78%.

2. Những khó khăn khi thực hiện Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

Qua kiểm tra ở cơ sở, có những chỉ tiêu chưa đạt hoặc khó đạt cần phải tập trung thực hiện gồm:

- Chỉ tiêu 5: Tình hình xâm hại tình dục trẻ em trong tỉnh diễn ra vẫn còn cao (năm 2013 xảy ra 31 vụ/ 31 em bị xâm hại);

- Chỉ tiêu 8: Trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều (năm 2013 số vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật là 255 vụ với 352 em vi phạm);

- Chỉ tiêu 20: Tỷ lệ huy động trẻ em đến nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non do địa phương còn thiếu cơ sở vật chất, mặt khác gia đình các em không muốn gửi trẻ từ 1-3 tuổi vào các nhóm trẻ, nhà trẻ nên hầu hết các xã, phường không đạt;

- Chỉ tiêu 25: Điểm vui chơi, giải trí và tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho trẻ em ở các xã, phường đều đạt nhưng điểm không cao. Các xã đạt thấp, thường rơi vào các xã còn khó khăn do thiếu khu vui chơi và kinh phí tổ chức các hoạt động dành cho trẻ em.

3. Đánh giá chung về tình hình thực hiện giai đoạn 2011-2013:

3.1 Mặt ưu điểm:

Nhìn chung, việc thực hiện các chỉ tiêu xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong việc tổ chức, triển khai thực hiện.

Những hoạt động thiết thực được địa phương tập trung thực hiện như: Xây dựng trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, trạm cấp nước sinh hoạt cho các cụm tuyến dân cư, công tác khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi được thực hiện tốt tại các cơ sở y tế. Triển khai thực hiện các kế hoạch nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật. Hàng năm, đều có tổ chức diễn đàn trẻ em cấp xã, sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em và các hoạt động vui chơi, giải trí tại cộng đồng cho trẻ em; vận động tạo điều kiện đưa trẻ em khó khăn đến trường… Đã góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, của cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người dân rất đồng tình và ủng hộ việc xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em tại địa phương.

3.2 Mặt hạn chế:

- Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể một số xã, phường đôi lúc chưa chặt chẽ; công tác tham mưu của cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thiếu kịp thời.

- Nhận thức của một bộ phận gia đình, người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn hạn chế, nên vẫn còn xảy ra tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị xâm hại…

- Một số xã, phường việc cập nhật, lưu trữ báo cáo kết quả, số liệu có liên quan đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em còn hạn chế, nên khi đánh giá kết quả thực hiện tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em của xã còn gặp khó khăn.

3.3 Nguyên nhân:

Do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa tầm quan trọng của việc xây dựng tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em.

Nguồn lực thực hiện chỉ tiêu 17 (tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em sử dụng nước sạch), chỉ tiêu 18 (tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em sử dụng hố xí hợp vệ sinh), chỉ tiêu 20 (tỷ lệ huy động trẻ em đến nhóm trẻ, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường mẫu giáo, trường mầm non), chỉ tiêu 25 (điểm vui chơi, giải trí và tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho trẻ em) ở các xã còn gặp nhiều khó khăn.

II. KẾ HOẠCH XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN PHÙ HỢP VỚI TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2014-2020:

1. Mục tiêu:

[...]