Kế hoạch 1807/KH-UBND năm 2021 thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) của tỉnh Kon Tum
Số hiệu | 1807/KH-UBND |
Ngày ban hành | 02/06/2021 |
Ngày có hiệu lực | 02/06/2021 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kon Tum |
Người ký | Nguyễn Hữu Tháp |
Lĩnh vực | Thương mại |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1807/KH-UBND |
Kon Tum, ngày 02 tháng 6 năm 2021 |
Căn cứ Quyết định số 721/QĐ -TTg ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len;
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len của tỉnh Kon Tum như sau:
Quán triệt và cụ thể hóa từng nội dung của Hiệp định UKVFTA tới các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh; Phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Kế hoạch này.
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về UKVFTA và thị trường Vương quốc Anh
- Tăng cường phổ biến về UKVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động trực tiếp như nông dân, ngư dân, cơ quan quản lý cấp tỉnh và địa phương, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, in ấn các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả UKVFTA.
- Chú trọng tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp về một số lĩnh vực như thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường Vương quốc Anh, đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm của Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường … bảo đảm các doanh nghiệp và cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc tận dụng và thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.
- Thiết lập đầu mối thông tin về UKVFTA tại địa phương (Sở Công Thương) để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề liên quan đến Hiệp định để đảm bảo thực hiện UKVFTA một cách xuyên suốt và thống nhất.
- Đẩy mạnh các Chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư tại UK nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp Vương quốc Anh về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của tỉnh, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực trọng điểm; tận dụng công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại nhằm tháo gỡ những nút thắt có thể gây cản trở một số ngành trong việc tận dụng UKVFTA.
2. Công tác xây dựng cơ chế, chính sách
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành có liên quan đến UKVFTA; kịp thời kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với UKVFTA.
- Tham vấn, lấy ý kiến của các đối tượng liên quan trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về triển khai UKVFTA trên địa bàn tỉnh.
3. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
- Tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng.
4. Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Triển khai các chính sách hỗ trợ về tài chính, dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; cung cấp các dịch vụ tư vấn việc làm... để giúp người lao động bị mất việc làm do các doanh nghiệp không đứng vững được trong quá trình cạnh tranh; lồng ghép các chương trình, hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho toàn bộ doanh nghiệp và người dân trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Giao Sở Công Thương làm cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các quy định có liên quan và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí phải đảm bảo có hiệu quả, tiết kiệm và thực hiện đúng các quy định hiện hành.
1. Trên cơ sở Kế hoạch này, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc và tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ trước ngày 01 tháng 12 hằng năm, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương (hoàn thành trước ngày 15 tháng 12 hàng năm).
2. Giao Sở Công Thương chủ trì, theo dõi, đôn đốc các Sở, ban ngành, địa phương và các đơn vị liên triển khai thực hiện Kế hoạch này; đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương theo quy định.
Trong quá trình triển khai, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Kế hoạch, các Sở, ban ngành, địa phương chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) để xem xét, giải quyết./.