Kế hoạch 178/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 1598/QĐ-TTg về Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 178/KH-UBND
Ngày ban hành 06/04/2018
Ngày có hiệu lực 06/04/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lâm Quang Thi
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/KH-UBND

An Giang, ngày 06 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1598/QĐ-TTG NGÀY 17/10/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH QUỐC GIA THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC STOCKHOLM VỀ CÁC CHẤT Ô NHIỄM HỮU CƠ KHÓ PHÂN HỦY ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 17/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (gọi tắt là các chất POP) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhà sản xuất và người tiêu dùng về nguy cơ do các chất POP và hóa chất nguy hại gây ra cho môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

Kiểm soát, giảm phát thải và xử lý đối với các chất POP và hóa chất nguy hại, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về nguy cơ do các chất POP và hóa chất nguy hại gây ra cho môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

- Phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát, giảm phát thải và xử lý đối với các chất POP và hóa chất nguy hại.

- Kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển các chất POP và hóa chất nguy hại.

- Xử lý, cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng chất độc da cam/dioxin.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo và giáo dục về nguy cơ do các chất POP và hóa chất nguy hại

- Xây dựng các tài liệu đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với các chương trình đào tạo, tập huấn theo từng nhóm đối tượng.

- Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, xử lý an toàn, các vấn đề độc học môi trường, sinh thái, an toàn lao động, sản xuất, tiêu thụ bền vững cho cán bộ quản lý, nhà sản xuất, người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân có liên quan về POP và các hóa chất nguy hại.

- Tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức trên diện rộng cho cộng đồng về rủi ro đối với môi trường và sức khỏe con người do tiếp xúc, phơi nhiễm, hấp thụ và tích lũy các chất POP và hóa chất nguy hại.

- Xây dựng bổ sung các quy định, chính sách và thể chế đáp ứng yêu cầu mới của Công ước Stockholm.

2. Phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát, giảm phát thải và xử lý; Kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển đối với các chất POP và hóa chất nguy hại

Rà soát và tăng cường công tác phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát, giảm phát thải và xử lý; Kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển đối với các chất POP và hóa chất nguy hại theo Công ước Stockholm trong đó tập trung vào các lĩnh vực sử dụng chính gồm: (1) Bảo vệ thực vật và diệt côn trùng, y tế (gọi tắt là POP-BVTV); (2) Công nghiệp (gọi tắt là POP-CN); (3) Phát sinh không chủ định (gọi tắt là UPOP); (4) Các hóa chất thuộc nhóm hexabromodiphenyl ete, heptabromodiphenyl ete, tetrabomodiphenyl ete, pentabromodiphenyl ete và decabromodiphenyl ete (gọi tắt là nhóm POP-BDE) tập trung vào các sản phẩm điện, điện tử, vật liệu chống cháy, phương tiện giao thông, đồ gia dụng; (5) Nhóm perluorooctane sulfonic, muối của chúng và perfluorooctane sulfonyl fluoride (gọi tắt là nhóm PFOS, PFOSF); (6) Nhóm hexabromodiphenyl (gọi tắt là nhóm HBB), hexabromocycldodecane (gọi tắt là HBCD), hexachlorobutadiene (gọi tắt là HCBD), pentacholorophenol, muối của nó và các este (gọi tắt là PCP); (7) Chất polychlorinated biphenyi (gọi tắt là PCB). Cụ thể như sau:

- Kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu; sản xuất, kinh doanh, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, thải bỏ và xử lý; kiểm kê, đánh giá hiện trạng phát thải, quan trắc, kiểm soát ô nhiễm và quản lý an toàn các chất POP và hóa chất nguy hại theo quy định hiện hành và yêu cầu của Công ước Stockholm trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm soát và quản lý an toàn hoạt động sử dụng, kinh doanh, lưu giữ, vận chuyển, thải bỏ vật liệu, thiết bị, chất thải có PCB; loại bỏ việc sử dụng các thiết bị có chứa PCB ≥ 50 mg/kg vào năm 2025; xử lý hoàn toàn các vật liệu, thiết bị và chất thải có chứa PCB ≥ 50 mg/kg vào năm 2028.

3. Xử lý, cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng chất độc da cam/dioxin

- Triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả Chất độc hóa học da cam/dioxin sử dụng trong chiến tranh ở tỉnh An Giang theo Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 05/12/2014 của UBND tỉnh An Giang”.

- Quản lý bền vững các khu vực trọng điểm bị ô nhiễm dioxin trong khi chờ xử lý. Tăng cường triển khai các chính sách và giải pháp nhằm xử lý các điểm ô nhiễm nặng dioxin có nguồn gốc chiến tranh, phục hồi môi trường và chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

4. Các chương trình, dự án ưu tiên

Để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch, giao các sở, ngành chủ trì xây dựng, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt các chương trình, dự án tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Kế hoạch này.

[...]