Công ước về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), 2001 Stockholm

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 22/05/2002
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CÔNG ƯỚC STOCKHOLM

VỀ CÁC CHẤT Ô NHIỄM HỮU CƠ KHÓ PHÂN HỦY (POP), 2001

Các Bên tham gia Công ước,

Công nhận các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có tính chất độc hại, khó phân hủy, tích lũy sinh học và được phát tán qua môi trường nước, không khí, bởi các loài động vật di cư, xuyên biên giới giữa các nước, rồi lắng đọng và tích lũy trong các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước ở những nơi xa nguồn phát thải chúng,

Nhận thức được các nguy cơ về sức khỏe, nhất là ở các nước đang phát triển, do việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, đặc biệt là tác động đến phụ nữ và từ đó ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai,

Nhận định các hệ sinh thái Bắc cực và các cộng đồng bản địa đang đặc biệt đối mặt với nguy cơ do quá trình khuếch đại sinh học các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, cũng như sự nhiễm độc thức ăn truyền thống là một vấn đề y tế cộng đồng,

Ý thức được sự cần thiết phải có hành động toàn cầu đối với các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy,

Lưu ý quyết định 19/13 C, ngày 7-2-1997 của Hội đồng Quản trị Chương trình Môi trường Liêp hợp quốc phát động hành động quốc tế nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường bằng các biện pháp sẽ giảm thiểu và/hoặc loại trừ việc phát xả thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy,

Nhắc lại các điều khoản thích hợp của những công ước quốc tế về môi trường có liên quan, đặc biệt là Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận có thông báo trước đối với một số hóa chất nguy hại và thuốc bảo vệ thực vật trong buôn bán quốc tế và Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới và tiêu hủy các chất thải nguy hại, kể cả các hiệp định khu vực, được xây dựng theo khuôn khổ Điều 11 của Công ước Basel,

Đồng thời nhắc lại các điều khoản thích hợp của Tuyên ngôn Rio về Môi trường và Phát triển và Chương trình nghị sự 21,

Nhận định công tác phòng ngừa là tinh thần của Công ước này cũng như là nền tảng quan tâm của tất cả các Bên tham gia,

Thừa nhận rằng Công ước này và các hiệp định quốc tế khác về thương mại và môi trường sẽ hỗ trợ cho nhau,

Tái khẳng định rằng các quốc gia, căn cứ vào Hiến chương Liên hợp Quốc và các nguyên tắc luật pháp quốc tế, đều có chủ quyền khai thác các nguồn tài nguyên trong nước sao cho phù hợp với các chính sách môi trường và phát triển của mình, và có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động đó thuộc quyền hạn hoặc phạm vi kiểm soát của mình, không gây hủy hoại đến môi trường của các nước khác hay các vùng nằm ngoài giới hạn tài phán quốc gia,

Xem xét hoàn cảnh và yêu cầu cụ thể của các nước đang phát triển, nhất là các nước kém phát triển nhất và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, đặc biệt là nhu cầu nâng cao năng lực quốc gia về quản lý hóa chất, bao gồm việc chuyển giao công nghệ, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, cũng như tăng cường hợp tác giữa các Bên,

Xem xét toàn diện Chương trình Hành động Phát triển Bền vững của các Quốc gia Đảo nhỏ đang Phát triển, được thông qua tại Barbados, ngày 6-5-1994,

Lưu ý đến khả năng của từng nước phát triển và đang phát triển, cũng như các trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt của các Quốc gia được đặt ra trong Nguyên tắc số 7 của Tuyên ngôn Rio về Môi trường và Phát triển,

Thừa nhận sự đóng góp quan trọng của khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, trong việc giảm thiểu và/hoặc loại trừ sự phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy,

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nhà sản xuất các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phải chịu trách nhiệm giảm thiểu các tác động nguy hại do các sản phẩm của họ gây ra, cũng như cung cấp thông tin cho người sử dụng, cho chính quyền và dân chúng về các tính chất nguy hại của các hóa chất đó,

Nhận thức về yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa các tác động nguy hại do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gây ra, ở mọi giai đoạn trong vòng đời của chúng,

Tái khẳng định Nguyên tắc 16 của Tuyên ngôn Rio về Môi trường và Phát triển mà quy định nhà cầm quyền các quốc gia cần đẩy mạnh việc tính gộp chi phí môi trường và sử dụng các công cụ kinh tế, xem xét đến nguyên tắc người gây ô nhiễm sẽ phải chịu mọi chi phí ô nhiễm, với sự quan tâm đúng mức đến lợi ích cộng đồng mà không gây trở ngại đến đầu tư và thương mại quốc tế,

Khuyến khích các Bên chưa có các kế hoạch pháp chế và đánh giá đối với thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất công nghiệp để xây dựng các kế hoạch đó,

Thừa nhận tầm quan trọng của việc phát triển và sử dụng các quá trình và hóa chất thay thế hợp lý về mặt môi trường,

Kiên quyết bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước những tác động có hại của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy,

Đã nhất trí như sau:

Điều 1. Mục tiêu

Chú trọng đến phương pháp phòng ngừa quy định trong Nguyên tắc 15 của Tuyên ngôn Rio về Môi trường và Phát triển, mục tiêu của Công ước này là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.

Điều 2. Các định nghĩa

Trong khuôn khổ của Công ước này:

(a) "Bên" có nghĩa là một quốc gia, hoặc một Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực, đồng ý chịu sự ràng buộc theo Công ước này và Công ước có hiệu lực với quốc gia hoặc tổ chức đó;

(b) "Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực" có nghĩa là một tổ chức được các quốc gia có chủ quyền của một khu vực thành lập và trao thẩm quyền về các vấn đề thuộc sự quản lý của Công ước; có đủ thẩm quyền ký, phê chuẩn, công nhận hoặc tham gia Công ước này theo các thủ tục quy định nội bộ của tổ chức đó;

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ