Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2024 về loại trừ bệnh phong trên địa bàn Tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030
Số hiệu | 177/KH-UBND |
Ngày ban hành | 22/05/2024 |
Ngày có hiệu lực | 22/05/2024 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Tháp |
Người ký | Huỳnh Minh Tuấn |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 177/KH-UBND |
Đồng Tháp, ngày 22 tháng 05 năm 2024 |
LOẠI TRỪ BỆNH PHONG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Thông tư số 17/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định tiêu chí và hướng dẫn kiểm tra, công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh và cấp huyện, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Loại trừ bệnh phong trên địa bàn Tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể như sau:
1. Đến năm 2025, huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Thanh Bình, Lai Vung và thành phố Cao Lãnh được kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện.
2. Duy trì kết quả đã đạt được, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh phong phù hợp, hiệu quả.
3. Phấn đấu đến năm 2030, không còn bệnh phong trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Tăng cường vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác phòng, chống bệnh phong.
Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh phong và chính sách của người bệnh phong đến gia đình, cộng đồng, xã hội nhằm nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm trong các hoạt động phòng, chống bệnh phong. Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với bệnh phong trên địa bàn Tỉnh bảo đảm chính xác, kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện công tác loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện; đưa mục tiêu loại trừ bệnh phong vào kế hoạch hằng năm của địa phương.
Vận động xã hội hóa công tác phòng, chống bệnh phong, đa dạng hóa các nguồn lực để triển khai thực hiện Kế hoạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người bệnh phong.
2. Tập huấn
Tổ chức các lớp tập huấn cho nhân viên y tế của Trung tâm y tế huyện, thành phố về những kiến thức cơ bản trong chẩn đoán bệnh phong; đặt trọng tâm vào công tác chuyển giao kỹ năng quản lý bệnh phong về tuyến cơ sở.
Tập huấn cho nhân viên y tế để khảo sát và điều tra tình hình bệnh phong cho các vùng có ổ dịch lưu hành.
3. Công tác truyền thông
Truyền thông thường xuyên trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, các đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã và các phương tiện thông tin đại chúng khác; sử dụng tranh, ảnh, tờ rơi, áp phích… để truyền thông sâu rộng trong cộng đồng; lắp đặt các pano truyền thông về bệnh phong tại các huyện, thành phố.
4. Hoạt động chuyên môn
a) Phát hiện bệnh
Tổ chức khám da trong cộng đồng nhằm phát hiện bệnh phong và khám cho tất cả người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân phong. Lồng ghép khám da phát hiện bệnh phong trong các hoạt động khám, điều trị bệnh ở cộng đồng (khám nghĩa vụ quân sự, khám học sinh, khám điều trị bệnh da và cấp thuốc miễn phí).
Tăng cường kỹ năng phát hiện bệnh phong mới ở các phòng khám đa khoa, chuyên khoa khác thông qua đào tạo huấn luyện. Phổ biến kiến thức về bệnh phong trên các phương tiện truyền thông đại chúng, để bệnh nhân chủ động tìm đến các cơ sở y tế để được nhận hỗ trợ.
b) Quản lý điều trị
Lập hồ sơ quản lý đối với các bệnh nhân phong; đưa 100% bệnh nhân phong mới được phát hiện vào quản lý và điều trị. Phát hiện và điều trị tốt các cơn phản ứng phong ở bệnh nhân phong.
Duy trì giám sát theo dõi 05 năm cho đối tượng thể nhiều khuẩn, 03 năm cho đối tượng thể ít khuẩn sau khi hoàn thành phác đồ điều trị (bao gồm: lâm sàng và cận lâm sàng). Nâng cao chất lượng công tác quản lý bệnh nhân phong, phòng, chống tàn tật, phục hồi chức năng. Hướng dẫn bệnh nhân phong bị khuyết tật biết cách tự chăm sóc và được phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
c) Phòng ngừa tàn tật, chăm sóc tàn tật và phục hồi chức năng
Hướng dẫn cho bệnh nhân về kiến thức và kỹ thuật tự chăm sóc tàn tật cho bản thân tại nhà; cung cấp dụng cụ cần thiết để bệnh nhân có thể tự chăm sóc bản thân. Đồng thời, cung cấp tài liệu hướng dẫn chăm sóc tàn tật và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong tàn tật để họ tự chăm sóc.
Thiết lập hệ thống giám sát, hỗ trợ hiệu quả công tác chăm sóc tàn tật và thực hiện quản lý theo dõi chăm sóc tàn tật trên từng bệnh nhân; thực hiện phẫu thuật đơn giản; tăng cường đưa bệnh nhân đi phẫu thuật để phục hồi chức năng, làm bàn tay, chân giả cho số bệnh nhân có chỉ định.