Kế hoạch 129/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống và loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 129/KH-UBND
Ngày ban hành 23/05/2022
Ngày có hiệu lực 23/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 23 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ BỆNH PHONG QUY MÔ CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2022-2025

Phần I

CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Thông tư số 17/2013/TT-BYT ngày 06/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy định tiêu chí và hướng dẫn kiểm tra, công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh và cấp huyện;

Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê Quốc gia;

Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;

Thông tư số 20/2019/TT-BYT ngày 31/7/2019 của Bộ Y tế về quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành y tế;

Thông tư số 37/2019/TT-BYT ngày 30/12/2019 của Bộ Y tế về quy định chế độ báo cáo thống kê ngành y tế;

Văn bản số 87/BVDLTW-CĐT ngày 21/01/2019 của Bệnh viện Da liễu Trung ương về việc Kế hoạch kiểm tra, công nhận loại trừ phong quy mô cấp huyện;

Nghị quyết số 48/2017/NQ-HĐND ngày 18/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số mức chi công tác phí, chi tổ chức các cuộc hội nghị triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 18/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở trong nước trên địa bàn tỉnh;

Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035;

Quyết định số 485/QĐ-UBND ngày 11/3/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

II. CƠ SỞ THỰC TIỄN

1. Tình hình bệnh phong tại Việt Nam những năm gần đây

Bệnh phong là bệnh nhiễm trùng mạn tính, do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Bệnh có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan, song hay gặp nhất là ở da và thần kinh ngoại biên.

Chương trình chống phong đã trở thành chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 1995 với sự đầu tư của Chính phủ và sự hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới cũng như nhiều tổ chức chống phong quốc tế. Với việc áp dụng đa hóa trị liệu từ năm 1982, tình hình dịch tễ bệnh phong ở Việt Nam đã thay đổi một cách đáng kể. Hàng trăm ngàn bệnh nhân đã được chữa khỏi. Tỷ lệ lưu hành giảm từ 6,78/10.000 dân năm 1983 xuống còn 0,04/10.000 dân năm 2009, tuy nhiên ở một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tỷ lệ này còn cao. Số bệnh nhân phát hiện hàng năm giảm tương đối nhanh: từ 2.020 người năm 1983 xuống còn 413 người năm 2009. Hiện nay, hàng năm Việt Nam vẫn phát hiện khoảng 200 đến 300 bệnh nhân phong mới. Vì thời gian ủ bệnh của bệnh phong rất lâu (3 đến 5 năm, có thể 10 năm) nên không thể ước tính trong cộng đồng còn bao nhiêu người chưa được phát hiện hoặc bao nhiêu bệnh nhân sẽ được phát hiện trong những năm tiếp theo.

Một nỗ lực của Việt Nam là đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của Tổ chức Y tế thế giới trên bình diện quốc gia năm 1995 (tỷ lệ lưu hành là 0,95/10.000). Năm 2015, tất cả 63/63 tỉnh thành trên cả nước đều đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong trên quy mô toàn tỉnh. Hiện tại các địa phương đang tiến hành loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện, tiến tới thanh toán bệnh phong vào năm 2030. Tuy vậy chúng ta vẫn phải đối mặt với di chứng tàn tật do bệnh phong, cả nước còn khoảng 20.000 bệnh nhân đã được điều trị khỏi nhưng bị tàn tật cần phải được chăm sóc và phục hồi chức năng.

2. Tình hình bệnh phong tại tỉnh Vĩnh Phúc những năm gần đây

Tỉnh Vĩnh Phúc được Bộ Y tế công nhận là tỉnh đạt xuất sắc 04 tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh vào năm 2000. Trên thành quả đó, công tác phòng, chống bệnh phong tiếp tục được triển khai và duy trì kết quả loại trừ bệnh phong cấp tỉnh theo 04 tiêu chí qua các đợt phúc tra của Bộ Y tế, Bệnh viện Da liễu Trung ương và sự tham gia của các tỉnh bạn vào các năm 2005, 2010. Từ năm 2016 đến nay không phát hiện bệnh nhân phong mới, tỷ lệ lưu hành 0/10.000 dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có 29 bệnh nhân phong phân bố ở 8/9 huyện, thành phố và 20/136 xã, phường, thị trấn. Hàng năm, duy trì các hoạt động phòng, chống bệnh phong và đem lại kết quả đáng kể: người có yếu tố nguy cơ được tiếp cận với dịch vụ khám, chẩn đoán và điều trị bệnh phong; bệnh nhân phong được chăm sóc tàn tật và phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng, không bị phân biệt đối xử, kỳ thị; bệnh nhân phong nghèo, khuyết tật đặc biệt nặng và nặng có nhà ở.

2.1. Kết quả triển khai hoạt động phòng chống bệnh phong

- Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe: tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tại cộng đồng; trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến kiến thức bệnh phong vào trường học, tập trung vào những xã trọng tâm, trọng điểm có nguy cơ cao. Qua đó nhận thức về bệnh phong trong cộng đồng được nâng lên rõ rệt, người bệnh và gia đình được hòa nhập với cộng đồng, giảm đi sự phân biệt, kỳ thị, đối xử. Người dân đã tự giác đến cơ sở y tế khi thấy có triệu chứng của bệnh phong. Điều này chứng tỏ hiệu quả của công tác truyền thông giáo dục sức khỏe có tầm quan trọng rất lớn trong công tác phòng chống bệnh phong.

- Củng cố, xây dựng mạng lưới phòng, chống bệnh phong: Biên chế mỗi huyện có 01 tổ gồm 03 cán bộ làm công tác phòng, chống các bệnh xã hội trong đó có bệnh phong; mỗi xã có 01 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác phòng chống bệnh phong. Hàng năm đều tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế, đồng thời cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn cập nhật kiến thức do tuyến Trung ương tổ chức. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hỗ trợ hoạt động phòng, chống bệnh phong tuyến huyện và tuyến xã.

[...]