Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 176/KH-UBND
Ngày ban hành 13/06/2023
Ngày có hiệu lực 13/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 13 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 300/QĐ-TTg NGÀY 28/3/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA CHUYỂN ĐỔI HỆ THỐNG LƯƠNG THỰC THỰC PHẨM MINH BẠCH, TRÁCH NHIỆM VÀ BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa bằng Kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Quyết định số 300/QĐ-TTg).

- Tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện những nội dung của Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan đơn vị có liên quan trong triển khai thực hiện; nâng cao trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo của tập thể và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đơn vị trong tổ chức thực hiện.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, văn bản chỉ đạo; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, chủ động để xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh, đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện.

- Việc tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả; chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm gắn liền với phát triển sinh thái, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh, hướng tới nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và khả năng tiếp cận, thụ hưởng lương thực thực phẩm lành mạnh cho mọi đối tượng và trong mọi tình huống, đặc biệt với khu vực khó khăn, nhóm người nghèo, dễ bị tổn thương.

- Thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng lồng ghép các nguồn lực và thông qua các cơ chế, chính sách tạo động lực để huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Thu nhập cư dân nông thôn cao hơn 02 lần so với năm 2020.

- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 0,3-0,5%/năm.

- Tỷ lệ hộ gia đình không đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm mức độ nặng và vừa ở mức dưới 5%.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 15%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 3%.

- Tỷ lệ thừa cân béo phì ờ trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10%; trẻ 5-18 tuổi ở mức dưới 19%; người trưởng thành 19-64 tuổi ở mức dưới 20%.

- Tỷ lệ ngộ độc cấp tính được ghi nhận dưới 5 người/100.000 dân.

- Tỷ lệ diện tích được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi chiếm trên 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Số vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được đăng ký chứng nhận tăng 5%/năm.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương ở mức trên 30%.

- Diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt tối thiểu 2,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

- Lượng phân bón hữu cơ chiếm trên 30% lượng phân bón cung ứng trên thị trường. Lượng phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020.

- Trên 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

- Tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm 0,5% đến 1,0%/năm.

- Tỷ lệ giá trị nông sản chế biến trong tổng giá trị sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản ở mức trên 50%.

[...]