Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 174/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Đồng Tháp năm 2019

Số hiệu 174/KH-UBND
Ngày ban hành 30/07/2018
Ngày có hiệu lực 30/07/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Thanh Hùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 30 tháng 7 năm 2018

 

 KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2019

Căn cứ Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư số 21/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Đồng Tháp năm 2019, cụ thể như sau:

I. Kết quả thực hiện năm 2018

1. Hiện trạng rừng và quy hoạch phát triển rừng

Diện tích đất quy hoạch phát triển rừng tỉnh Đồng Tháp (số liệu cập nhật đến cuối năm 2017 và Công văn đề nghị số 259/UBND-KTN ngày 05/7/2018 của UBND tỉnh) là 12.312,65 ha. Trong đó, 12.299,27 ha diện tích đất quy hoạch phát triển rừng (gồm: rừng đặc dụng 7.313,03 ha, rừng phòng hộ 1.081,36 ha, rừng sản xuất 3.904,88 ha) và 13,38 ha diện tích rừng trồng ngoài quy hoạch, với độ che phủ rừng là 1,52%, phân bố trên địa bàn các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh.

2. Về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch

2.1. Về quản lý, bảo vệ rừng

- Diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm, các đơn vị chủ rừng chủ động triển khai thực hiện kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị,… trực bảo vệ, đảm bảo công tác chữa cháy rừng được triển khai kịp thời, hiệu quả khi có sự cố cháy xảy ra. Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn các hành vi xâm nhập trái phép để khai thác tài nguyên rừng1.

- Các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng tham gia bảo vệ, phát triển rừng2.

- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 06 vụ cháy rừng, tổng diện tích cháy 12,44 ha (trong đó: cháy đồng cỏ 0,07 ha, cháy dưới tán rừng 12,37 ha); các vụ cháy đều được phát hiện sớm và tổ chức chữa cháy kịp thời theo phương châm bốn tại chỗ nên mức độ thiệt hại không đáng kể.

2.2. Về phát triển, nâng cao năng suất chất lượng rừng

- Tổng diện tích rừng trồng là 169,57 ha, trên địa bàn các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh (trong đó: rừng trồng lại sau khai thác 155,32 ha, rừng trồng trên đất chưa có rừng 8,79 ha, rừng trồng ngoài đất quy hoạch phát triển rừng 5,46 ha).

- Các chủ rừng sản xuất trên địa bàn chủ động đầu tư trồng rừng thâm canh bằng cách lên líp, áp dụng các biện pháp chăm sóc, tỉa thưa,.. tạo điều kiện để cây rừng sinh trưởng nhanh, rút ngắn chu kỳ khai thác, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

2.3. Khai thác, chế biến gỗ và lâm sản

- Khai thác rừng trồng: Từ đầu năm đến nay, diện tích rừng khai thác trên địa bàn tỉnh là 226,27 ha. Sản phẩm sau khai thác là cừ tràm chủ yếu tiêu thụ nội địa và các tỉnh lân cận.

- Chế biến gỗ: Trên địa bàn tỉnh hiện có 420 cơ sở kinh doanh chế biến gỗ và sản phẩm mộc hoàn chỉnh, trong đó: kinh doanh, chế biến gỗ có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu là 195 cơ sở, cưa xẻ chế biến gỗ rừng trồng và cây trồng phân tán 115 cơ sở, kinh doanh mộc hoàn chỉnh là 110 cơ sở.

2.4. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thực hiện Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 09/4/2015 của UBND tỉnh về việc triển khai đề án thực hiện chính sách chi dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã tiếp nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2017 là 1.256.724.000 đồng và thực hiện chi trả cho các chủ rừng là 1.068.215.000 đồng (trong đó: chi trả cho tổ chức 1.032.985.000 đồng, chi trả cho hộ gia đình, cá nhân là 35.230.000 đồng).

3. Tình hình triển khai các chính sách bảo vệ và phát triển rừng

Thực hiện Dự án Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2016-2020 góp phần xây dựng lực lượng PCCCR đúng năng lực, kiểm soát cháy rừng, giảm nguy cơ cháy rừng, chữa cháy kịp thời, có hiệu quả, giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra; công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực hiện theo quy định; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thực hiện góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.

II. Tồn tại, hạn chế

- Diện tích rừng phân bố đan xen với đất sản xuất nông nghiệp, khu, cụm dân cư, lộ giao thông; đời sống cư dân ven rừng khó khăn, thiếu việc làm ổn định,... tình trạng chăn thả gia súc, xâm nhập trái phép vào rừng để khai thác tài nguyên rừng vẫn còn diễn ra, chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để.

- Hoạt động chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh thiếu sự liên kết, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, nguồn gỗ nguyên liệu tại chỗ có giá trị thấp, chủ yếu là nhập khẩu.

- Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển lâm nghiệp thời gian qua còn hạn chế, chưa tạo được động lực khuyến khích phát triển nghề rừng; thị trường tiêu thiếu ổn định, lợi nhuận kinh tế từ trồng rừng thấp hơn so với sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản,... nên nhiều hộ gia đình, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư trồng rừng.

[...]