Kế hoạch 1711/KH-UBND năm 2016 xây dựng điển hình tiên tiến tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2016-2020
Số hiệu | 1711/KH-UBND |
Ngày ban hành | 10/05/2016 |
Ngày có hiệu lực | 10/05/2016 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Phú Thọ |
Người ký | Bùi Minh Châu |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1711/KH-UBND |
Phú Thọ, ngày 10 tháng 5 năm 2016 |
XÂY DỰNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN TỈNH PHÚ THỌ, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác, thi đua khen thưởng; Chỉ thị số 23/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 21/11/2014 về tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; nhằm phát huy kết quả đạt được sau Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Phú Thọ lần thứ V, tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:
1. Mục đích:
- Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa to lớn và hiệu quả thiết thực của việc xây dựng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và giữ vững an ninh, quốc phòng trong thời kỳ CNH - HĐH.
- Thông qua công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng nhằm thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị và hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về thi đua, khen thưởng.
2. Yêu cầu:
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các quy trình phát hiện, nhân rộng, học tập gương điển hình tiên tiến ở cơ quan, đơn vị, địa phương một cách thiết thực, hiệu quả.
- Việc phát hiện, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến gắn liền với sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động...của mỗi cấp, ngành, trong mỗi giai đoạn nhất định. Điển hình được nhân rộng phải thực sự tiêu biểu, có sức lan tỏa, tác động tích cực đối với cơ quan, đơn vị và đời sống xã hội.
II. NỘI DUNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN.
1. Nội dung:
- Qua quá trình tổ chức, triển khai và thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của tỉnh, của ngành, phát hiện, lựa chọn những mô hình, gương điển hình tiên tiến là những tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu; là nhân tố tích cực, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; có tinh thần tương thân tương ái; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh…Việc lựa chọn nhân tố mới, điển hình tiên tiến cần tạo ra được sự quan tâm của xã hội, nhằm giải quyết những vấn đề mới, những vấn đề khó, được mọi người công nhận và có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng.
- Coi trọng và quan tâm thường xuyên đến việc xây dựng điển hình; giúp các điển hình tiên tiến xác định động cơ phấn đấu, nâng cao năng lực toàn diện cho tập thể, cá nhân về nhận thức, về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác; tạo điều kiện cụ thể về tinh thần, vật chất, cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi để các điển hình thực hiện và thể hiện vai trò của mình.
- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác dụng, tính hiệu quả, xác định khả năng phát triển của từng mô hình, việc ảnh hưởng của các điển hình trong xã hội và ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Rút kinh nghiệm để điều chỉnh và bổ sung hoàn thiện. Phát hiện những khó khăn, thiếu sót, kịp thời có biện pháp giúp đỡ điển hình tiên tiến phấn đấu, rèn luyện, tiếp tục duy trì thành tích và phát huy hiệu quả.
- Định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả của các điển hình trong mỗi giai đoạn, để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo xây dựng, đồng thời lựa chọn những mô hình thật sự xuất sắc tiêu biểu, đem lại giá trị kinh tế cao, ý nghĩa xã hội lớn, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tổ chức tôn vinh, học tập và nhân rộng các mô hình trong phạm vi toàn ngành, toàn địa phương.
- Tổ chức tham quan trực tiếp kết quả, học tập kinh nghiệm của điển hình tiên tiến và nghe điển hình tiên tiến báo cáo kinh nghiệm, phương pháp, cách làm đạt hiệu quả, đạt thành tích trong thực hiện phong trào thi đua.
- Tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả những nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến theo hướng thiết thực, phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương và yêu cầu nhiệm vụ chính trị mới.
2. Thời gian triển khai.
2.1 Đối với các đơn vị thành viên trong các khối thi đua của tỉnh:
- Trong Quý II năm 2016 các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tiến hành xây dựng nội dung, chương trình, biện pháp tổ chức, thực hiện Kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, chủ động phát hiện những điển hình tiêu biểu toàn diện hoặc trên từng mặt, từng lĩnh vực công tác phù hợp với đơn vị, địa phương. Trong kế hoạch cần xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, các hoạt động bồi dưỡng điển hình, công tác tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn, công tác biểu dương khen thưởng gương điển hình; chế độ thông tin báo cáo.
- Từ năm 2017 đến năm 2019, tập trung bồi dưỡng, xây dựng, hoàn thiện mô hình điển hình tiên tiến và hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết việc triển khai kế hoạch trong đơn vị, ngành, địa phương mình vào dịp tổng kết công tác thi đua, khen thưởng, rút ra những bài học kinh nghiệm, tổ chức tham quan hoạt động kinh nghiệm vào những thời điểm thích hợp và định kỳ báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện và kết quả xây dựng mô hình, điển hình mới (qua Ban Thi đua, khen thưởng).
- Năm 2020, tổ chức đánh giá, tổng kết công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng gương điển hình của các cấp, các ngành gắn với đánh giá tổng kết phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020; chuẩn bị tiến tới tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh lần thứ VI.
2.2 UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng điểm một số mô hình thuộc các lĩnh vực cụ thể như sau:
- Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua Xây dựng nông thôn mới (giao Sở Nông nghiệp và PT NT phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã xem xét lựa chọn)
Là các xã đạt được các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh (khuyến khích các đơn vị không phải là điểm có nhiều nỗ lực cao); có phương pháp, cách làm hay phù hợp với điều kiện thực tế để tổ chức thực hiện các tiêu chí đạt hiệu quả; tổ chức được các phong trào thi đua đột phá, chuyên đề với khẩu hiệu hành động thiết thực, góp phần hoàn thành từng tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; các cá nhân có nhiều đóng góp trong tuyên truyền, vận động, tham gia hiến đất làm đường, đóng góp tiền của vật chất, ngày công lao động…xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
- Mô hình, gương điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình, xoá đói giảm nghèo: (giao Hội Nông dân tỉnh phối hợp UBND các huyện, thành thị xem xét lựa chọn, xây dựng 05 hộ gia đình hoặc cá nhân tiêu biểu)
Là điển hình tích cực lao động, sản xuất kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao; thu nhập hàng năm của gia đình cao nhất trong số các hộ gia đình tại địa phương; hàng năm gia đình phải đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; tích cực tham gia các hoạt động xã hội; chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.