Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 1699/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 1699/KH-UBND
Ngày ban hành 11/04/2023
Ngày có hiệu lực 11/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Võ Văn Minh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1699/KH-UBND

Bình Dương, ngày 11 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20/CT-TTG, NGÀY 01/11/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN TRONG XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĐỌC, TIẾP CẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN CHO THIẾU NHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh về vai trò của sách, việc hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng thiếu nhi. Đảm bảo điều kiện được tiếp cận và hưởng thụ thông tin, tri thức, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

2. Yêu cầu

Các cấp, các ngành bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 01/11/2022 và tình hình thực tế của ngành, địa phương để xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp với các chương trình, kế hoạch cụ thể về đảm bảo đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh; Tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch đề ra.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc xây dựng môi trường đọc thuận lợi, thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân. Tiếp tục xây dựng nhiều hình thức đổi mới trong tổ chức và hoạt động, triển khai các mô hình phù hợp, có hiệu quả trong việc tạo lập thói quen đọc sách, kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho người dùng tin, đặc biệt là đối tượng thiếu nhi.

Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác triển khai thực hiện; Đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thực hiện, đưa nội dung về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi vào chương trình, kế hoạch xây dựng và phát triển các hoạt động văn hóa trong cộng đồng tại địa phương và các đơn vị.

Rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành trong việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi đồng bộ, thống nhất các văn bản pháp quy và các giải pháp chuyên môn trong triển khai thực hiện.

2. Công tác thông tin, tuyên truyền

Tiếp tục tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi qua nhiều nội dung và hình thức.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học, hội, đội, câu lạc bộ và huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội... trong việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tại gia đình, nơi học tập, nơi làm việc và cộng đồng; vận dụng các hình thức thông tin, tuyên truyền một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế từng thời kỳ, từng nơi và đạt hiệu quả cao.

Duy trì các hoạt động hiệu quả, tổ chức các hoạt động mới, hình thức mới, các hội thi, hội diễn, các sự kiện về văn hóa đọc, phát triển kỹ năng đọc sách, báo cho thiếu nhi, học sinh trong địa bàn tỉnh.

3. Về cơ chế, chính sách

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; triển khai và áp dụng các văn bản pháp quy, Luật Thư viện từ đó tạo môi trường thuận lợi để tăng cường công tác tổ chức các hoạt động về việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi qua nhiều nội dung và hình thức; xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phù hợp, chú trọng đầu tư về nguồn tài nguyên thông tin dành cho thiếu nhi.

Bảo đảm tài chính cho mọi hoạt động; nâng mức đầu tư ngân sách địa phương cho các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, các hội thi, cuộc thi về sách... thực hiện chính sách xã hội hóa, tăng cường vận động, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng chung tay tham gia phát triển văn hóa đọc trong toàn dân, đặc biệt ưu tiên đối tượng thiếu nhi.

Chú trọng đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng môi trường đọc cho thiếu nhi ở những địa phương vùng xa trong tỉnh, nơi có thiếu nhi người đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở nông thôn, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn tài nguyên thông tin, tài liệu dành cho thiếu nhi.

Tăng cường đầu tư và đầu tư đúng mức cho hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, nhân lực, nguồn tài nguyên thông tin và các điều kiện cần thiết khác để thư viện triển khai hiệu quả các hoạt động phục vụ thiếu nhi.

4. Thực hiện giải pháp về chuyên môn thư viện nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp chuyên môn về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; kiện toàn, củng cố và hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách mọi nơi dành cho thiếu nhi.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng và tạo môi trường đọc thân thiện, không gian thoải mái, sinh động phù hợp với đặc thù, tâm lý và lứa tuổi. Tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho thiếu nhi đọc và học phù hợp với thời gian học tập, đặc biệt thời gian nghỉ hè; bố trí cán bộ chuyên trách, có kinh nghiệm và kỹ năng phục vụ thiếu nhi.

Tăng cường đầu tư nguồn tài nguyên thông tin dành cho thiếu nhi, xây dựng chính sách bổ sung, tăng tỷ lệ sách thiếu nhi trong tổng vốn tài liệu của thư viện, chú trọng bổ sung sách tham khảo, sách văn học và sách hướng dẫn kỹ năng sống. Các loại hình tài liệu phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi và sở thích của thiếu nhi, góp phần xây dựng thế hệ trẻ Bình Dương phát triển toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ thư viện, linh hoạt, sáng tạo ra các dịch vụ mới; đẩy mạnh công tác hướng dẫn kỹ năng sử dụng thư viện, kỹ năng và phương pháp chọn sách, đọc sách, báo phục vụ cho việc học tập và giải trí của thiếu nhi, đặc biệt là gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện.

[...]