Kế hoạch 1693/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình 57-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW “về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững trong tình hình mới” do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 1693/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2023
Ngày có hiệu lực 07/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1693/KH-UBND

Kon Tum, ngày 07 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 57-CTR/TU NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW NGÀY 30 THÁNG 01 NĂM 2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ “ VỀ PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI”

Thực hiện Chương trình số 57-CTr/TU ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị “về phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững trong tình hình mới” (Chương trình số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Cụ thể hóa và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Chương trình số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Yêu cầu: Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng quan điểm, mục tiêu và nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị và Chương trình số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, phù hợp với tình hình thực tế, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt

a) Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Đơn vị thực hiện: Các sở, ban ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý II/2023.

b) Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng. Chú trọng truyền thông về các thành tựu công nghệ sinh học; kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; các tập thể, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.

- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ban ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

- Rà soát, triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học hiện có và cập nhật, triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm công nghệ sinh học tại địa phương. Nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sản phẩm công nghệ sinh học cho phù hợp.

- Thường xuyên rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học cho phù hợp với tình hình thực tế, nhất là những địa bàn còn nhiều khó khăn, có yếu tố đặc thù như tỉnh Kon Tum.

- Rà soát, nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phù hợp với khả năng về nguồn lực của tỉnh để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

- Thường xuyên rà soát, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu và giải pháp cụ thể về công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo nhiệm kỳ và hằng năm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, gắn với kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết theo quy định.

- Đơn vị thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

3. Tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghệ sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng

a) Về phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trên các ngành, lĩnh vực

* Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các giống cây trồng có giá trị, thích nghi biến đổi khí hậu, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Tập trung các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: sâm Ngọc Linh, Đảng sâm và cây dược liệu có giá trị khác; các loại cây ăn quả; cây lâm nghiệp; cây công nghiệp; các loại rau, hoa, củ, quả thích nghi với khí hậu vùng Đông Trường Sơn của tỉnh. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống vật nuôi, thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế của tỉnh.

- Triển khai ứng dụng các quy trình công nghệ sản xuất các sản phẩm sinh học như: các chế phẩm sinh học thế hệ mới, kít chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng và kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản; sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học; thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; sản phẩm sinh học xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi; sản phẩm sinh học phục vụ sơ chế, bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản tạo cơ sở hình thành nền kinh tế nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn mang lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

- Triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong kiểm định, kiểm nghiệm nguồn gốc, chất lượng sâm Ngọc Linh và các dược liệu có giá trị kinh tế khác phục vụ công tác quản lý và sản xuất, kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng vắc xin trong phòng bệnh cho vật nuôi.

[...]