Kế hoạch 167/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023

Số hiệu 167/KH-UBND
Ngày ban hành 08/11/2022
Ngày có hiệu lực 08/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 167/KH-UBND

Thái Nguyên, ngày 08 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN ĐÀN GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN TỈNH THÁI NGUYÊN NĂM 2023

Thực hiện Công văn số 5177/BNN-TY ngày 08/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023; sau khi xem xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 3347/TTr-SNN ngày 03/11/2022, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chủ động ngăn ngừa, hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi, thủy sản phát triển, đáp ứng nhu cầu nguồn cung về động vật, sản phẩm động vật trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

- Chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tiêm phòng đạt 100% số gia súc, gia cầm theo kế hoạch đề ra, đồng thời tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi sau tiêm vắc xin phòng bệnh, hạn chế nguy cơ tái phát từ các ổ dịch cũ, khống chế lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ban ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan, tiến tới xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về công tác chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; vận động toàn dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật trên cạn và thủy sản.

- Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, thủy sản phải đồng bộ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, triệt để và hiệu quả.

- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản phải tuân theo các quy định hiện hành liên quan.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

- Nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và thủy sản; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (bệnh Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn, Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trên trâu bò, Dại chó...).

- Tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và cả nước nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của lực lượng nhân viên, cộng tác viên thú y cơ sở và nhân dân trong việc giám sát, khai báo dịch bệnh.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng nhân viên, cộng tác viên thú y cơ sở tại các xã, phường, thị trấn; mở các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và kiến thức pháp luật thú y đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, các hộ kinh doanh buôn bán, vận chuyển, giết mổ.

- Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, chủ động kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát chủ động dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh để đề ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

- Thực hiện tiêm phòng vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm của gia súc, gia cầm phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016; Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

- Tổ chức triển khai định kỳ công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

- Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn

a) Công tác tuyên truyền

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản và các văn bản liên quan trong công tác chăn nuôi, thú y và thủy sản để người dân, người chăn nuôi hiểu và tự giác chấp hành những quy định của pháp luật trong công tác thú y.

- Thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, phát triển chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe con người và vệ sinh môi trường.

- Thông tin về tầm quan trọng, tác dụng của việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi nhằm ngăn ngừa dịch bệnh tái phát, kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023 trên phạm vi toàn tỉnh; vận động người chăn nuôi tích cực hưởng ứng chiến dịch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và tự chủ động các loại vắc xin khác không nằm cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh.

[...]