Kế hoạch 4897/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 4897/KH-UBND
Ngày ban hành 09/11/2022
Ngày có hiệu lực 09/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Huyền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4897/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 09 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong 9 tháng năm 2022, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như Lở mồm long móng (LMLM), Cúm gia cầm (CGC), Tai xanh heo (TXH), Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Viêm da nổi cục trên trâu bò (VDNC) và Dại động vật cơ bản được kiểm soát tốt, không xảy ra trên địa bàn tỉnh; các bệnh truyền nhiễm khác (Tụ huyết trùng trên trâu, bò, heo, dê, cừu; Phó thương hàn heo; Viêm ruột hoại tử trên dê, cừu, Gumboro trên gà,…) xảy ra rải rác ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh nhưng đã được phát hiện và khống chế kịp thời. Đối với dịch bệnh trên tôm nuôi, tính đến tháng 9/2022 tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh 23,20 ha (bằng cùng kỳ năm 2021) do bệnh Đốm trắng (WSD), Hoại tử gan tụy cấp (AHPND) và Vi bào tử trùng (EHP) gây ra.

Đến nay, mặc dù các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn xảy ra trên nhiều tỉnh thành cả nước. Các mầm bệnh truyền nhiễm vẫn tồn tại trong môi trường và gia súc, gia cầm mang trùng có thể phát sinh và gây ra các ổ dịch, nhất là bệnh DTLCP, VDNC trên trâu bò vẫn còn tiềm ẩn yếu tố nguy cơ khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong khi tỷ lệ tiêm phòng các bệnh chưa đạt 100% kế hoạch, chưa đủ mức bảo hộ cho vật nuôi an toàn với dịch bệnh; việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi chưa thường xuyên ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật kiểm soát chưa chặt chẽ, đặc biệt là động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc; kết hợp sự biến đổi bất lợi của thời tiết ngày càng phức tạp tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Do vậy, nguy cơ phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt bệnh DTLCP, LMLM, VDNC, CGC. Riêng đối với dịch bệnh thủy sản do tác động bất lợi của yếu tố môi trường và diễn biến khí hậu cực đoan là nguyên nhân dẫn đến mối nguy dịch bệnh thủy sản tăng cao.

Nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản phát sinh và lây lan, ngăn ngừa dịch bệnh động vật lây truyền sang người, đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023, với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

- Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật về thú y nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản, bảo đảm cho sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định và bền vững;

- Chủ động các phương án, nguồn nhân lực, vật tư để xử lý khi phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm gia súc, gia cầm và thủy sản; ứng phó kịp thời, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm các bệnh mới xuất hiện có khả năng lây truyền từ động vật sang người, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người và động vật nuôi.

2. Yêu cầu:

- Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và sự phối hợp đồng bộ với các Sở, ngành từ tỉnh đến cơ sở, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản theo chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh.

- Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bảo đảm nhanh gọn, an toàn, hiệu quả nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là bệnh LMLM, CGC, TXH, DTLCP, VDNC trên trâu bò, các bệnh nguy hiểm trên tôm giống, tôm nuôi.

- Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao, khoanh vùng khống chế không để lây lan diện rộng.

- Kiểm soát chặt chẽ động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh; tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo quy định.

II. NỘI DUNG, ĐƠN VỊ THỰC HIỆN

1. Công tác phòng dịch:

a) Công tác tuyên truyền, tập huấn

- Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện:

+ Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y; cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch được thực hiện bằng nhiều hình thức, phù hợp đối tượng, địa bàn; nội dung tuyên truyền phải đảm bảo chính xác, kịp thời, dễ hiểu; biểu dương gương điển hình về phòng, chống dịch bệnh.

+ Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, trọng điểm về công tác tiêm phòng vắc xin; tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người.

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

+ Thông tin kịp thời chính xác về tình hình dịch bệnh trong nước và trên địa bàn tỉnh, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh gia súc, gia cầm; những ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng con người.

+ Duy trì đường dây nóng tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng chuyên mục chăn nuôi, thú y trên Trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

+ Xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho hệ thống thú y về giám sát, xác minh dịch bệnh và báo cáo dịch bệnh; triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; bồi dưỡng kiến thức thú y cho cán bộ làm công tác thú y tại các xã, phường, thị trấn.

b) Công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh:

- Chủ cơ sở nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi giám sát dịch bệnh tại cơ sở, khi phát hiện gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi có biểu hiện bất thường, có dấu hiệu mắc bệnh, chết bất thường không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện để xử lý kịp thời.

- Lực lượng thú y cơ sở (trực tiếp là nhân viên phụ trách thú y cấp xã) phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, đoàn thể, quần chúng tại địa phương để theo dõi dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản từng hộ nuôi, nhằm phát hiện kịp thời khi có dịch xảy ra.

[...]