Kế hoạch 163/KH-UBND thực hiện Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình năm 2022

Số hiệu 163/KH-UBND
Ngày ban hành 09/02/2022
Ngày có hiệu lực 09/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Thắng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 163/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 09 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH QUẢNG BÌNH NĂM 2022

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.

Trên cơ sở Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 22/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW; Nghị quyết số 165/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh thông qua Đề án phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 411/KH-UBND ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Kế hoạch số 2394/KH-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt được trong thời gian vừa qua để từng bước thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 22/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 165/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh.

- Xây dựng, phát triển chính quyền số tỉnh Quảng Bình tổng thể, toàn diện, có mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của các cấp chính quyền lên môi trường số, bảo đảm an toàn thông tin.

- Phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu về phát triển Chính quyền số tỉnh

- 96% tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử.

- Trên 91% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 74% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp huyện, trên 52% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

- Trên 80% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh /bộ chuyên ngành; được tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống dùng chung của tỉnh và liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

- Trên 50% cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng phát triển chính quyền số, chuyển đổi số quan trọng của tỉnh được kết nối, chia sẻ; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

- Trên 30% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

b) Mục tiêu về phục vụ người dân và doanh nghiệp

- 100% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công được đánh giá trên cổng dịch vụ công của cấp tỉnh đạt trên 85%, của cấp huyện, cấp xã đạt trên 80%.

- 100% tỷ lệ dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp.

c) Mục tiêu về phát triển hạ tầng CNTT và an toàn thông tin

- 100% tỷ lệ giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử.

- 100% tỷ lệ cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, cấp huyện kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Nhà nước.

- 100% cán bộ công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan được phổ biến, quán triệt thường xuyên về trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin.

- 100% cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện môi trường pháp lý

- Tham mưu Tỉnh Ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

[...]