Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 1247/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 165/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1247/KH-UBND
Ngày ban hành 15/07/2021
Ngày có hiệu lực 15/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Thắng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1247/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 15 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 165/NQ-HĐND NGÀY 09/12/2020 CỦA HĐND TỈNH VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ VÀ DỊCH VỤ ĐÔ THỊ THÔNG MINH TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Triển khai Nghị quyết số 165/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 165/NQ-HĐND), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện nhằm cụ thể hóa lộ trình, tiến độ và nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương trong xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 165/NQ-HĐND và các nội dung, nhiệm vụ về xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.

- Phân công cụ thể trách nhiệm, tiến độ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các sở, ban, ngành và địa phương.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan, đơn vị bám sát các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết số 165/NQ-HĐND và tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch triển khai việc xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của cơ quan, đơn vị mình tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh.

- Việc triển khai xây dựng hạ tầng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, các nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, chuyên ngành phải đảm tính đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, kết nối liên thông với các hệ thống của Trung ương, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống khác của tỉnh; một nghiệp vụ chỉ thuộc một hệ thống, phần mềm; một dữ liệu chỉ một đơn vị cập nhật.

- Các hạ tầng, nền tảng, hệ thống thông tin, CSDL, phần mềm đã xây dựng phải được rà soát, đánh giá sự tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử, đảm bảo chia sẻ dữ liệu; các hệ thống xây dựng mới phải được thẩm định sự tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh trùng lặp.

- Việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hạ tầng, nền tảng, hệ thống thông tin, CSDL, phần mềm phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đặc biệt là các hệ thống thông tin trọng yếu của tỉnh theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

II. Nhiệm vụ, giải pháp

1. Năm 2021

- Tập trung phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội các văn bản chỉ đạo của Đảng, của Nhà nước, của tỉnh; vai trò, vị trí, mục đích, yêu cầu và trách nhiệm tham gia, tổ chức thực hiện xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số, nhất là Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 22/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và Nghị quyết số 165/NQ-HĐND.

- Tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, rà soát lại các hạ tầng, nền tảng, hệ thống thông tin, CSDL, phần mềm đã xây dựng, chưa xây dựng để từng bước lập, triển khai các đề án, dự án phát triển Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, kết nối chia sẻ dữ liệu.

- Rà soát, cân đối và bố trí kinh phí triển khai đầu tư, nâng cấp các hệ thống phần cứng, phần mềm phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh trong năm 2021, dự trù cho năm 2022 và các năm tiếp theo.

- Khẩn trương lập, ban hành danh mục hệ thống thông tin, CSDL dùng chung, chuyên ngành. Xây dựng, triển khai Đề án xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Đề án phát triển Trung tâm dữ liệu điện tử, Đề án xây dựng, mở rộng ứng dụng mạng diện rộng, Đề án nâng cấp nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP - Trục kết nối chia sẻ), Đề án hoàn thiện, phát triển CSDL dùng chung trên nền thông tin địa lý, Đề án số hóa tài liệu và quản lý tài liệu lưu trữ điện tử...

- Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức khai thác hiệu quả Hệ thống hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến huyện. Triển khai khảo sát, đầu tư mở rộng Hệ thống hội nghị trực tuyến đến cấp xã.

- Tập trung thực hiện các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ và Quyết định số 406/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt tối thiểu 40%, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tối thiểu 15%. Chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ lần đầu cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

- Tổ chức số hóa thông tin, tài liệu tại sở, ban, ngành, địa phương theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra, nhất là việc số hóa kết quả giải quyết TTHC theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, CSDL đã được xây dựng để cập nhật, làm mới, làm giàu dữ liệu cho các CSDL.

- Triển khai và đưa vào hoạt động thử nghiệm hạ tầng công nghệ Trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh. Tổ chức triển khai các dịch vụ đô thị thông minh dùng chung đã bố trí ngân sách đầu tư như: Tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường, Giám sát thông tin trên môi trường mạng... và thử nghiệm một số dịch vụ khác như: Theo dõi thông tin kinh tế - xã hội, Giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, Giám sát an toàn thông tin... Triển khai bước đầu thí điểm đô thị thông minh tại thành phố Đồng Hới.

- Kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh và Tổ triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tại các cơ quan, đơn vị. Tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số của sở, ban, ngành, địa phương.

- Rà soát, sắp xếp lại hoạt động của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông nhằm đảm bảo đủ năng lực trong quản lý, vận hành Trung tâm dữ liệu điện tử và Trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh.

- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý về Chính quyền điện tử, về chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số. Tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn hóa kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cơ bản và nâng cao kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức.

2. Giai đoạn 2022 - 2025

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách, quy định, quy chế quản lý, vận hành, phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số và đô thị thông minh. Gắn kết chặt chẽ phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số với cải cách hành chính. Tăng cường thử nghiệm, áp dụng các công nghệ và mô hình mới để từng bước đổi mới căn bản hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền dựa trên công nghệ số, dữ liệu số.

- Tổ chức khảo sát, đánh giá và chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, các địa phương phát triển, bảo đảm hạ tầng viễn thông và dịch vụ kết nối internet băng rộng phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nhất là các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

[...]