Kế hoạch 1608/KH-UBND năm 2022 triển khai hỗ trợ Doanh nghiệp đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 1608/KH-UBND
Ngày ban hành 19/04/2022
Ngày có hiệu lực 19/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1608/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 19 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ ĐỂ DUY TRÌ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.382 doanh nghiệp/23.000 lao động, có khoảng 1.500 lao động có nhu cầu học nghề và đào tạo lại trong năm 2022 và năm 2023 và có khoảng 18.000 người làm ăn sinh sống tại các tỉnh phía Nam trở về địa phương trong đó có trên 13.000 lao động đang làm việc tại các tỉnh phía Nam trở về địa phương trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, đến nay có hơn 3.000 lao động quay trở lại làm việc tại các tỉnh phía Nam. Qua nắm bắt sơ bộ nhu cầu học nghề dự kiến khoảng 1.000 lao động trong năm 2022 và năm 2023. Dự kiến số lao động có nhu cầu học nghề trong năm 2022, năm 2023 khoảng 2.500 lao động.

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai hỗ trợ Doanh nghiệp đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

- Nhằm chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống nhân dân, người lao động và người sử dụng lao động góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội đời sống của người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

- Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giúp người lao động có nghề nghiệp, kỹ năng đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm tại doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực tại tỉnh.

- Hình thành ý thức, kỹ năng và tác phong làm việc của lao động theo hướng công nghiệp, chuyên sâu, góp phần nâng cao năng suất, ổn định vị trí việc làm và tăng thu nhập sau đào tạo; giúp doanh nghiệp giảm chi phí một phần trong đào tạo và huấn luyện lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Tổ chức đào tạo nghề trong năm 2022 và năm 2023 khoảng 2.500 người để cung cấp lao động cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó:

+ Hỗ trợ đào tạo lại lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng Covid-19 khoảng 1.500 người.

+ Hỗ trợ đào tạo lại lao động từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 khoảng 1.000 người.

- Đối với các khóa học có thời gian tham gia đào tạo đến hết ngày 30/6/2022: Dự kiến đào tạo 500 người với kinh phí 4.500.000.000 đồng (tối đa 9.000.000 đồng/người lao động/khóa học) hỗ trợ từ ngân sách Trung ương do quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

- Đối với các khóa học có thời gian đào tạo sau ngày 30/6/2022 đến hết năm 2023:

+ Dự kiến tổ chức đào tạo 2.000 người/4.000.000.000 đồng thực hiện theo quy định tại Kế hoạch số 3261/KH-UBND tỉnh ngày 11/9/2020 để áp dụng thực hiện hỗ trợ đào nghề cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với mức hỗ trợ tối đa không quá 2 triệu đồng/người/khóa học.

II. NGUYÊN TẮC:

- Người lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng 01 lần theo chính sách này.

- Đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách theo quy định tại Kế hoạch này, đồng thời đủ điều kiện hưởng chính sách khác thì được hỗ trợ một chính sách cao nhất.

III. NỘI DUNG:

1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ:

1.1 Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

a) Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

b) Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động.

c) Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.

[...]