Kế hoạch 1601/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2021–2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Số hiệu 1601/KH-UBND
Ngày ban hành 08/06/2021
Ngày có hiệu lực 08/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Tống Thanh Hải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1601/KH-UBND

Lai Châu, ngày 08 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM VÀ BẢO VỆ TRẺ EM; PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

Thực hiện Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định số 23/QĐ- TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030; Quyết định số 377/QĐ- UBND ngày 06/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021-2030.

UBND tỉnh Lai Châu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Bảo đảm các điều kiện để thực hiện yêu cầu về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, các Chỉ thị, Quyết định của Thủ tường Chính phủ; đầu tư, phát triển hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, đáp ứng nhu cầu cần sự hỗ trợ, can thiệp của trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; giảm dần tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến trẻ em.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Đảm bảo các chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em giảm và hoàn thành theo đúng Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030.

2. 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên, nhân viên công tác xã hội được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, dịch vụ bảo vệ trẻ em; củng cố và phát triển hoạt động bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được củng cố và phát triển ở tất cả các huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

3. Từ 80% trở lên gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau.

4. 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi; Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục và người học; thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện người học bị bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục.

5. 100% cán bộ, chiến sỹ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em.

6. 100% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội, cha mẹ và trẻ em

1.1. Nâng cao nhận thức và vận động xã hội về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ em: Tổ chức các hoạt động, chiến dịch truyền thông, vận động xã hội để thay đổi nhận thức, quan niệm xã hội, thái độ, hành vi ứng xử về bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.

1.2. Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em: Trang bị cho cha mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng, người giám hộ trẻ em về kiến thức, kỹ năng thực hiện trách nhiệm chăm sóc, giáo dục về bảo vệ trẻ em, giáo dục làm cha mẹ tích cực, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Từng bước triển khai các chương trình tư vấn, giáo dục làm cha, mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.

1.3. Hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho trẻ em: Tăng cường tổ chức các hoạt động đối thoại, diễn đàn, tập huấn cho trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, thực hiện quyền trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Phát triển các chương trình kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em trong và ngoài trường học. Tư vấn và hỗ trợ trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với lứa tuổi.

1.4. Xây dựng, nhân bản các chương trình, sản phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng và giáo dục về bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

1.5. Đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với thời lượng, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với các nhóm đối tượng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

2. Phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em trong các cơ sở giáo dục

2.1. Tuyên truyền, phổ biến về nhận diện, phát hiện, thông báo, tố giác, giáo dục kỹ năng sống về phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại trẻ em:

2.2. Nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc trẻ em về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục.

2.3. Tích hợp nội dung giáo dục về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào kế hoạch giáo dục nhà trường; thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học. Đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bổn phận của trẻ em, an toàn trên môi trường mạng, kỹ năng phòng ngừa, lên tiếng, thông tin, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em vào nội dung một số chương trình hoạt động giáo dục.

2.4. Hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục và thông tin ngay đến Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã, phường, thị trấn để phối hợp giải quyết kịp thời.

3. Cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

- Nâng cao năng lực, cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục:

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên, nhân viên công tác xã hội.

[...]