Kế hoạch 67/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 67/KH-UBND
Ngày ban hành 30/03/2022
Ngày có hiệu lực 30/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 30 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định số 406/QĐ-LĐTBXH ngày 10/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg, ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Kiểm soát, ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, gia đình, trường học, cộng đồng xã hội và chính trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

- Tăng cường khả năng phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em thông qua tiếp cận các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

2. Yêu cầu

Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung được giao, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch này và các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1863/QĐ-TTg. Bám sát nội dung của Quyết định số 1863/QĐ- TTg, có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu tổng quát

Hạn chế đến mức thấp nhất tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại tại gia đình, nhà trường và cộng đồng nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em; tăng cường phối hợp liên ngành thực hiện có hiệu quả các giải pháp, hoạt động đột phá trong việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và đấu tranh phòng, chống tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Phấn đấu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% trẻ em từ 05 - 16 tuổi được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, cung cấp thông tin, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi.

- Phấn đấu 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên trẻ em được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được củng cố và phát triển ở tất cả huyện, thành phố.

- Phấn đấu 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục và người học; thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện trẻ em bị bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục.

- 100% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường nâng cao năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

- Đảm bảo 100% cán bộ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng phát triển mô hình điều tra thân thiện với trẻ em cấp tỉnh (hoặc cấp huyện, thành phố).

- Các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện, được giải quyết kịp thời, dứt điểm theo quy định của pháp luật; đảm bảo 100% trẻ em trong các vụ việc khi được phát hiện đều được can thiệp, trợ giúp kịp thời, hiệu quả.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền

Tiếp tục triển khai, quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt ở cấp cơ sở đối với công tác trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chỉ đạo lồng ghép các chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nhằm bảo đảm quyền trẻ em, tạo môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em.

2. Truyền thông vận động, giáo dục xã hội nhằm nâng cao nhận thức, hướng tới cam kết chặt chẽ về trách nhiệm và hành động thiết thực của các cấp, các ngành, các tổ chức và chuyển đổi hành vi của người dân về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Công ước Liên hiệp hợp quốc về quyền trẻ em; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chăm sóc trẻ em (đặc biệt Luật Trẻ em năm 2016).

- Tổ chức các hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em, cách nhận diện các loại hình bạo lực, xâm hại trẻ em, ảnh hưởng của bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em; kỹ năng phát hiện, thông báo tố giác các vụ việc bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em.

- Triển khai các hoạt động chiến dịch truyền thông với các hình thức đa dạng phong phú trong “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tháng hành động về phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” hằng năm.

- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện truyền thông đại chúng; sản xuất, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi, sách mỏng… về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.

- Tuyên truyền, cung cấp thông tin về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 - trực 24/24, miễn phí cước cuộc gọi để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu cần trợ giúp bảo vệ trẻ em.

[...]