Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 237/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030

Số hiệu 237/KH-UBND
Ngày ban hành 08/07/2024
Ngày có hiệu lực 08/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 237/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 08 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030.

Sau khi xem xét nội dung báo cáo, đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1821/TTr-SNN ngày 24 tháng 4 năm 2024; Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, cụ thể:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của tỉnh; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hoàn thành điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại các vùng nước trọng điểm như hồ Trị An, sông Đồng Nai, rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch, các hồ chứa tự nhiên, hồ chứa lớn và các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

b) Tổ chức, huy động nguồn lực thực hiện hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các vùng nước tự nhiên.

c) 10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công.

d) Thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái tại một số loại hình thủy vực tự nhiên như sông, hồ chứa, rừng ngập mặn phù hợp với nhu cầu của người dân, đảm bảo sinh kế bền vững và an sinh xã hội.

đ) Hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản được nâng cấp, tích hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương theo hướng đông bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản

a) Thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo chuyên đề.

b) Hoàn thiện, cập nhật cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; cập nhật thông tin, công bố kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.

2. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

a) Tổ chức quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu vực đường di cư tự nhiên của loài thủy sản.

b) Xây dựng kế hoạch và tổ chức quản lý nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng phòng hộ, khu bảo tồn đất ngập nước.

c) Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

d) Thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quỹ cộng đồng theo quy định.

3. Tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản

a) Thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào các thủy vực; tăng cường quản lý loài thủy sản tại các khu vực được tái tạo, phục hồi bảo đảm hiệu quả.

b) Nghiên cứu sinh sản nhân tạo, ương nuôi, thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào các thủy vực; tăng cường quản lý các khu vực, loài thủy sản được tái tạo, phục hồi để bảo đảm hiệu quả

c) Hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản theo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.

d) Phục hồi và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú và đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản.

đ) Đánh giá hiệu quả hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái và môi trường sống của loài thủy sản.

[...]