Kế hoạch 1593/KH-UBND năm 2021 về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 1593/KH-UBND
Ngày ban hành 16/04/2021
Ngày có hiệu lực 16/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Mai Sơn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1593/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 16 tháng 04 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2030

Thực hiện Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Bắc Giang.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025, đảm bảo 50% số cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được quản lý, đạt 80% vào năm 2030.

b) Đến năm 2025, có ít nhất 30% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được kiểm tra về công tác quan trắc môi trường lao động, đạt 50% vào năm 2030.

c) Đến năm 2025, 50% người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống và được quản lý sức khỏe, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, đạt 100% vào năm 2030.

d) 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng và giám định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp theo qui định.

đ) Đến năm 2025 có ít nhất 70% các cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc, đạt 100% vào năm 2030.

e) Đến năm 2025 có ít nhất 70% các cơ sở lao động thực hiện lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở, đạt 90% vào năm 2030.

g) Đến năm 2025 có ít nhất 50% người lao động nữ tại các khu công nghiệp được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ, đạt 100% vào năm 2030.

h) Giảm 15% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động vào năm 2025 và giảm 25% vào năm 2030 (so với giai đoạn 2010- 2020).

i) Xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia vào năm 2030.

(Chi tiết tại phụ lục 01)

II. THỜI GIAN, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1.Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến năm 2030.

2. Phạm vi, đối tượng thực hiện: Kế hoạch được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, bao gồm, các cơ sở lao động, người sử dụng lao động và người lao động; ưu tiên các cơ sở lao động nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, làng nghề, lao động nữ, lao động cao tuổi và lao động không có hợp đồng lao động và các cơ sở y tế.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành

- Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các ngành từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội ngành nghề, doanh nghiệp tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

- Tổ chức các hội nghị triển khai các văn bản, chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp cho lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, người sử dụng lao động… nhằm huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

2. Nâng cao năng lực quản lý vệ sinh lao động, y tế lao động, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp

- Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ y tế các tuyến, người làm công tác y tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức huấn luyện lực lượng sơ, cấp cứu tại nơi làm việc để nâng cao năng lực, đáp ứng điều trị, phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.

- Củng cố hệ thống tổ chức y tế lao động trong quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện và cơ sở lao động.

- Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám sức khỏe, sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng quan trắc môi trường lao động.

[...]