Kế hoạch 159/KH-UBND hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn năm 2016

Số hiệu 159/KH-UBND
Ngày ban hành 06/06/2016
Ngày có hiệu lực 06/06/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Phạm Duy Hưng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 159/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 6 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH BẮC KẠN NĂM 2016

Thực hiện Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 hướng dẫn việc phân công phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm,

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch hoạt động đảm bảo An toàn thực phẩm năm 2016 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực quản lý chất lượng An toàn thực phẩm (ATTP) nhằm kiểm soát tình trạng mất ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng, đảm bảo chất lượng ATTP tại địa phương. Chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước về công tác đảm bảo ATTP của các ngành từ huyện đến cơ sở.

- Nâng cao kiến thức thực hành ATTP và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

- Nâng cao năng lực kiểm nghiệm thực phẩm và kiểm soát ATTP đối với chuỗi cung cấp thực phẩm.

- Ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính và các bệnh truyền qua thực phẩm.

- Cải thiện tình trạng ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

3. Các chỉ tiêu

- 80% người lãnh đạo quản lý hiểu đúng và được cập nhật lại kiến thức về ATTP; trên 80% cán bộ làm công tác ATTP tuyến huyện và các xã, thị trấn được bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức về ATTP.

- Trên 70% người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm hiểu đúng và được cập nhật lại kiến thức về ATTP.

- Duy trì hệ thống kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025, mở rộng khả năng kiểm nghiệm các chỉ tiêu VSATTP tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

- 80% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống được kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất;

- 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được cấp mới và cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định.

- 40% các chợ đầu mối cung cấp mặt hàng nông sản, thủy sản được quy hoạch và kiểm soát an toàn thực phẩm;

- Số người mắc ngộ độc thực phẩm dưới 10/100.000 dân.

- 100% vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo, điều tra và xử lý kịp thời.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP

- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện nghiêm túc các văn bản về đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn quản lý.

- Củng cố mạng lưới quản lý ATTP 3 ngành: Y tế, Nông nghiệp, Công thương. Xây dựng quy chế phối hợp quản lý ATTP giữa 3 Sở: Y tế, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Công thương.

- Nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ, chuyên môn, thanh, kiểm tra cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở.

[...]