Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 1575/KH-UBND năm 2020 về phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai sau dịch Covid-19

Số hiệu 1575/KH-UBND
Ngày ban hành 31/07/2020
Ngày có hiệu lực 31/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Võ Ngọc Thành
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1575/KH-UBND

Gia Lai, ngày 31 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA TỈNH SAU DỊCH COVID-19

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới và đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nó tác động rất mạnh, làm cho nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến cung cầu của xã hội. Kinh tế thế giới tăng trưởng âm trên 5%.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.

Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2020. Chính phủ thống nhất đánh giá: Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã tạo nên sức mạnh to lớn và những kết quả quan trọng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt đã ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, khẳng định truyền thống đoàn kết, tình nhân ái, ý chí kiên cường của dân tộc ta, bản chất tốt đẹp của chế độ, được Nhân dân tin tưởng, thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc của cả nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 vẫn có những điểm sáng; duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, kinh tế không bị rơi vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 1,81% tuy thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng là mức tăng thuộc nhóm cao nhất số với các nước trong khu vực và trên thế giới... Tuy nhiên, dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và triển vọng kinh tế toàn cầu là rất khó khăn. Các nước đối tác lớn suy thoái nặng nề, dự báo chưa thể phục hồi trong ngắn hạn. Trong nước, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao; giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là giải ngân vốn ODA rất thấp. Tình hình sản xuất kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực rất khó khăn; thị trường quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề; khu vực dịch vụ chịu tác động rất lớn, nhất là du lịch, thu hút khách quốc tế; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và số lao động mất việc làm tăng...

Tỉnh Gia Lai vừa bị tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội vừa bị hạn hán kéo dài từ đầu năm đến nay. Các chỉ tiêu về kim ngạch xuất, nhập khẩu, doanh thu dịch vụ vận tải, du lịch, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm cũng bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế nên mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 8,2% là rất thách thức và khó đạt được. Nhất là trước tình hình dịch tái phát tại thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành.

II. CÁC NGÀNH KINH TẾ BỊ ẢNH HƯỞNG ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ HẠN HÁN TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM

1. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Cơ bản không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng hạn hán đã gây thiệt hại gân 7.972 ha cây trồng. 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 8.920 tỷ đồng, bằng 29,7% kế hoạch, tăng 8,39% so với cùng kỳ.

2. Ngành công nghiệp: Ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đạt 9.501 tỷ đồng, băng 41,46% kế hoạch, tăng 2,64% so với cùng kỳ. Các sản phẩm ngành công nghiệp chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ; tuy nhiên một số sản phẩm tăng thấp (sản lượng điện sản xuất trên địa bàn tăng 2,42%, tinh bột sắn tăng 3,6%, đá Granít tăng 0,49%, đường tinh chế tăng 1,57%).

3. Ngành thương mại, dịch vụ:

- Từ tháng 2 đến tháng 4 sức mua tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại... đã giảm khoảng 20% so với tháng trước. Bước sang tháng 5 khi các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đã tăng 18,57% so với tháng trước; tính chung 6 tháng tổng mức lưu chuyên hàng hóa bán lẻ đạt 32.667 tỷ đồng, bằng 40,87% kế hoạch, tăng 6,28% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 250 triệu, bằng 39,68% kế hoạch, giảm 1,96% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu như cà phê, mủ cao su, sắn lát đều giảm.

- Ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm ước có 358.000 lượt khách du lịch đến tỉnh, giảm 23% so với cùng kỳ. Trong tháng 4 thực hiện chủ trương giãn cách xã hội của Chính phủ, lĩnh vực du lịch ngừng hoạt động toàn bộ, doanh thu tháng 4 chỉ đạt 1 tỷ đồng, bằng 3,2% so với tháng 3/2020; các cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch gặp nhiều khó khăn do việc hạn chế, cấm đi lại, khách hàng hủy chuyến du lịch, hủy đặt phòng; hoạt động kinh doanh nhà hàng trầm lắng do tâm lý người dân và do các biện pháp phòng, chống dịch; các sự kiện văn hoá và các giải thi đấu thể thao trong 5 tháng đầu năm tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19.

- Việc dừng hoạt động khai thác các tuyến vận tải, hạn chế đi lại trong thời gian giãn cách xã hội đã làm doanh thu vận tải giảm mạnh. Các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm doanh thu đạt 2.756 tỷ đồng, giảm 0,29% so với cùng kỳ.

4. Thu ngân sách trên địa bàn: 6 tháng đầu năm ước đạt 2.048,8 tỷ đồng, bằng 44,8% dự toán trung ương giao, bằng 39,4% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 8,1% so với cùng kỳ1.

5. Doanh nghiệp: Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh có năng lực tài chính hạn chế, khi có sự cố dịch bệnh xảy ra xoay xở khó khăn. Trong 6 tháng toàn tỉnh có 55 doanh nghiệp, 05 hợp tác xã, 801 hộ kinh doanh giải thể; 127 doanh nghiệp, 4.595 hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động. Toàn tỉnh có 2.725 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có 297 doanh nghiệp thiệt hại từ 70% doanh thu trở lên, 1.211 doanh nghiệp thiệt hại từ 30 - 70% doanh thu, 1.217 doanh nghiệp thiệt hại dưới 30% doanh thu. Tổng doanh thu bị thiệt hại ước tính là 6.246 tỷ đồng. Hiện nay đã có 69 doanh nghiệp và hàng trăm hộ kinh doanh đăng ký hoạt động trở lại.

6. Lao động, việc làm: Bị ảnh hưởng do nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng. Đặc biệt ảnh hưởng nặng nề nhất là lao động ở khu vực phi chính thức, lao động giản đơn, thu nhập thấp. Đối với nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 307.145 người với kinh phí 259,778 tỷ đồng; đến nay đã chi trả xong tiền hỗ trợ cho 302.452 người, kinh phí chi trả 256.024 triệu đồng, đạt 98,6%.

Đối với nhóm người lao động, đến nay đã thẩm định danh sách và hỗ trợ cho 5.291 đối tượng, kinh phí 5.229,75 triệu đồng2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đôn đốc một số doanh nghiệp và địa phương hoàn thiện danh sách để tham mưu UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ.

III. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỂ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SAU DỊCH

1. Mục tiêu:

- Tiếp tục ổn định và phát triển kinh tế, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trường kinh tế; tạo chuyển biến thực chất trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính... Xây dựng các cơ chế; giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và kịp thời để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh; bảo đảm việc làm đặc biệt là thúc đẩy kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch.

- Huy động tối đa mọi nguồn lực để ưu tiên phục vụ công tác bảo đảm sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội. Đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội.

2. Các chỉ tiêu:

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 7,7% trở lên. Các chỉ tiêu tăng, giảm so với kế hoạch đầu năm như sau:

Stt

Chỉ tiêu

Đơn vị

Chỉ tiêu giao tại Nghị quyết số 191/NQ- HĐND ngày 11/12/2019

Ước thực hiện năm 2020

Tăng / Giảm

1

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá so sánh 2010)

%

8,20

7,70

-0,50

 

+ Nông, lâm nghiệp, thủy sản

%

5,36

5,91

0,55

 

+ Công nghiệp và xây dựng

%

10,12

8,92

-1,20

 

+ Dịch vụ

%

9,02

8,33

-0,69

 

+ Thuế sản phẩm

%

10,00

7,59

-2,41

2

Cơ cấu tổng sản phẩm GRDP (giá hiện hành)

 

100,0

100,0

 

 

- Nông, lâm nghiệp, thủy sản

%

36,44

36,75

0,31

 

- Công nghiệp - Xây dựng

%

28,95

28,73

-0,22

 

- Dịch vụ

%

34,61

34,51

-0,10

3

GRDP bình quân đầu người

Triệu đồng

54,48

52,55

-1,93

4

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn

Triệu USD

630

580

-50

5

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

Tỷ đồng

5.200

4.746

-454

6

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn

Tỷ đồng

80.000

75.000

-5.000

3. Nhiệm vụ, giải pháp:

3.1. Về triển khai các chủ trương, chính sách

a) Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, 42/NQ-CP, 84/NQ-CP, Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các chính sách, chỉ thị, văn bản của Chính phủ, bộ, ngành trung ương và của tỉnh về chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp thuộc diện khó khăn, về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội một cách kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi; giúp người dân và tổ chức, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, “không để ai bị bỏ lại phía sau” đồng thời sớm phục hồi và phát triển kinh tế.

[...]