Kế hoạch 152/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 152/KH-UBND
Ngày ban hành 11/08/2022
Ngày có hiệu lực 11/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 152/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 11 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2239/QĐ-TTg NGÀY 30/12/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

2. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh và hợp tác quốc tế để phát triển các ngành, nghề đào tạo đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN - 4, tiến tới trình độ quốc tế.

3. Phát triển giáo dục nghề nghiệp bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

4. Ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong ngân sách giáo dục - đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; tăng cường xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp ở những địa bàn, ngành, nghề phù hợp.

5. Phát triển giáo dục nghề nghiệp là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dân; được chú trọng trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, các cấp địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển giáo dục nghề nghiệp nhanh, bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chất lượng đào tạo Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang tiếp cận trình độ các nước ASEAN - 4; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của toàn tỉnh lên 72% trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%.

Một số chỉ tiêu chủ yếu:

- Thu hút từ 35 - 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 25% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới.

- Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động.

- Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 40%.

- Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%.

- Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%.

- Ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 3 chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

- Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; trên 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.

- Phấn đấu 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.

- Phấn đấu trên địa bàn tỉnh có 01 trường cao đẳng chất lượng cao.

- Thành lập 01 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2025 hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có 12 cơ sở.

2.2. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030

Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc gia; trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước trong khu vực ASEAN; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.

[...]