Kế hoạch 154/KH-UBND năm 2021 triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 154/KH-UBND
Ngày ban hành 02/08/2021
Ngày có hiệu lực 02/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Lưu Trung
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 154/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 02 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN MỨC ĐỘ 4 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;

Thực hiện Công văn số 1145/BTTTT-THH ngày 19/4/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn, đôn đốc xây dựng kế hoạch triển khai và hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021;

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xây dựng Kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mc tiêu

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới phương thức phục vụ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đtạo thuận lợi cho công dân, tổ chức trong giao tiếp với các cơ quan hành chính nhà nước; tiết kiệm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời giúp công dân, tổ chức có thể nắm bắt tình hình, tiến độ giải quyết hồ sơ, hạn chế phát sinh tiêu cực; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội của tnh.

Triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp để đạt được mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021. Trong số đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua cổng Dịch vụ công tỉnh; tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thực hiện trên môi trường điện tử mức độ 3, 4 phấn đấu đạt từ 20% trở lên;

Phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến;

Cho phép người sử dụng dịch vụ công trực tuyến thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công, bằng nhiều phương thức khác nhau, đảm bảo thuận tiện, dễ dàng.

Hỗ trợ, hướng dẫn, phổ cập kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp về nộp hồ sơ trực tuyến để nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến của từng dịch vụ công.

2. Yêu cầu

Hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 tại các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Phát huy vai trò tích cực, chủ động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quá trình chỉ đạo, triển khai; xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện và trách nhiệm của từng đơn vị trong việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và chất lượng dịch vụ công trực tuyến trong phạm vi toàn tỉnh;

Nâng cao nhận thức và hiệu quả hành động của các cơ quan, đơn vị, địa phương về thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển dịch vụ công trực tuyến từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cưng công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, phục vụ cải cách hành chính, nâng cao các Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)

- Huy động sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN (Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Trong công tác chỉ đạo, điều hành

- Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử;

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng việc triển khai và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém đồng thời đề xuất các giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương và Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Trong tổ chức triển khai thực hiện

- Các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, triển khai thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 trên cổng Dịch vụ công của tỉnh trong năm 2021;

- Đối với các dịch vụ công không đủ điều kiện đưa lên trực tuyến mức độ 4, ứng dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật nhằm đưa tối đa các hoạt động cung cấp dịch vụ công lên môi trường mạng, từ quá trình nộp, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho đến trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp;

- Công khai đầy đủ, đúng quy định các thủ tục hành chính đã được công bố trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Thường xuyên rà soát, cập nhật khi có sự thay đổi, điều chỉnh về thủ tục hành chính;

- Bố trí nhân sự, tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tại Bộ phận Một cửa các cấp;

[...]